Một nghiên cứu mới dẫn đầu bởi TS Sriram Sankararaman từ Trường Đại học California ở Los Angeles (UCLA) đã tìm ra "loài người ma" xuất hiện một cách bí ẩn trong DNA của 4 cộng đồng Tây Phi: người Yoruba và Esan ở Nigeria, Gambia ở Tây Gambia và Mende ở Sierra Leoane.
Họ sở hữu tới 2-19% DNA từ một dòng dõi ma, nhưng không phải 2 loài gần gũi được biết là có giao phối dị chủng với Homo sapiens cổ đại là Neanderthals và Denisovans.
Hộp sọ được phục dựng từ một vị tổ tiên khác loài - Ảnh: VIỆN SMITHSONIAN
Trước đây, người ta tin rằng loài Homo sapiens chúng ta chỉ giao phối với các loài tương đối gần gũi, ví dụ 2 loài nói trên đều thuộc chi Người (Homo) và có nhiều đặc tính tương tự với chúng ta, tách ra từ một tổ tiên chung chưa xa.
Thế nhưng loài người ma xuất hiện trong DNA những người Tây Phi này lại thuộc một dòng dõi khác xa, tách ra khỏi cây gia phả của 3 loài Homo sapiens - Neanderthals - Denisovans từ ít nhất 1,04 triệu năm trước, theo trích dẫn nghiên cứu trên Discovery Magazine.
Gọi là "loài người ma" bởi ngoài dấu vết DNA ở những người Tây Phi hiện đại, không có bất kỳ bằng chứng trực tiếp nào như hài cốt, công cụ... về loài bí ẩn này.
Chỉ có thể biết đó là một dòng dõi đã tuyệt chủng, bởi hiện nay chỉ còn một loài người duy nhất là Homo sapiens (Người Tinh Khôn) chúng ta tồn tại, thống trị toàn bộ thế giới loài người.
Ước tính loài người ma này đã tìm đến Homo sapiens vào thời điểm khoảng 124.000 năm trước và nảy sinh hôn phối dị chủng, để lại những đứa con lai mà con cháu của họ chính là các nhóm người hiện đại nói trên.
Trước đó, các nghiên cứu cổ nhân học cho thấy tổ tiên của Homo sapiens chúng ta đã bắt đầu tách ra khỏi dòng tổ tiên của Neanderthals và Denisovans khoảng 700.000 năm trước. Sau đó, người Neanderthals và Denisovans tiếp tục tách nhau khoảng 400.000 năm trước.
Neanderthals chủ yếu thống trị châu Âu, trong khi Denisovans phổ biến ở nhiều vùng châu Á.
Khoảng 194.000 năm trước, tổ tiên Homo sapiens từ châu Phi bắt đầu di cư khắp nơi. Ước tính khoảng vài chục ngàn năm trước loài chúng ta đã đụng độ hai loài gần gũi nói trên và giao phối khác loài xảy ra khá phổ biến, khiến dòng máu hầu hết Homo sapiens ngoài châu Phi ngày nay không còn "thuần chủng".
Theo TS Sankararaman, cuộc hôn phối dị chủng khá xa xôi về loài này cho thấy lịch sử loài người có thể còn phức tạp hơn gì những gì chúng ta đã biết.
Theo Anh Thư/Người Lao Động