Các nhà cổ sinh vật học vừa tìm thấy hóa thạch khoảng 220 triệu năm tuổi của một loài mới khi khai quật một hồ cạn nước ở Algarve, Bồ Đào Nha.
|
Hình ảnh tái dựng lại của kỳ giông khổng lồ Metoposaurus algarvensis. |
Hóa thạch là của một con kỳ giông khổng lồ, tên khoa học là Metoposaurus algarvensis, có kích thước gần bằng chiếc ô tô loại nhỏ.
Metoposaurus algarvensis trưởng thành phát triển chiều dài lên đến khoảng 2m, sống trong các sông, hồ cuối thời kỳ Trias. Bề ngoài của sinh vật mới khá giống cá sấu.
|
Metoposaurus algarvensis có miệng đầy răng sắc nhọn như kim. |
Loài động vật lưỡng cư ăn thịt này thường săn cá và thống trị các sông, hồ cách đây khoảng 220 triệu năm, khi khủng long bắt đầu thống trị thế giới. Metoposaurus algarvensis có miệng đầy răng sắc nhọn như kim, có thể chộp lấy bất cứ loài khủng long nhỏ nào đi tới gần hồ nước. Tuy nhiên, chân của Metoposaurus algarvensis rất yếu ớt.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, Metoposaurus algarvensis có thể là tiền thân của các loài động vật lưỡng cư hiện đại như ếch, sa giông và kỳ nhông.
|
Hóa thạch hộp sọ của Metoposaurus algarvensis vừa được khai quật. |
Tiến sĩ, nhà cổ sinh vật học Steve Brusatte của Đại học Edinburgh, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Loài động vật lưỡng cư này trông giống như một quái vật xấu xí. Nó có kích thước của một xe hơi và có hàng trăm chiếc răng sắc nhọn ở miệng. Đó là loài động vật ăn thịt hung dữ khiến cả những con khủng long thời kỳ đầu cũng phải dè chừng”.
Các nhà nghiên cứu bỏ ra khá nhiều công sức xác định loài mới này từ các mẩu xương của hàng trăm động vật lưỡng cư. Ông Steve cho biết: “Đó thật sự là một mớ bòng bong. Chúng tôi tìm thấy lớp xương cao 0,5m và phải phân loại chúng”.
Sự khác biệt trong cấu trúc hàm và các bộ phận của hộp sọ, nơi tủy sống gặp não, tiết lộ hóa thạch là của một loài mới.
Lưu Thoa (theo DM)