Mới đây, Bộ môn Khảo cổ Khoa Lịch sử Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG; Hội Khảo cổ học Việt Nam và Sở VHTTDL tỉnh Phúc Yên đã tiến hành cuộc khai quật lần thứ 7 tại di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Đây là lần 2, họ phát hiện được di cốt người cổ thuộc văn hoá Phùng Nguyên tại địa điểm này.
Theo PGS. TS. Nguyễn Lân Cường - Phó Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học VN, di cốt còn gần như nguyên vẹn, nằm ở tư thế ngửa, 2 tay duỗi thẳng, xương đùi trái bị mất.
|
Răng nanh động vật dùng làm đồ trang sức. |
Ông Cường cho biết: “Qua đánh giá sơ bộ, chúng tôi xác định đây là bộ hài cốt của một người đàn ông, cao 1m6, xương mác bên phải bị gẫy mặc dù đã liền lại. Đặc biệt,có tục nhuộm răng đen và tục nhổ toàn bộ răng cửa hàm dưới và 2 răng cửa bên hàm trên. Phong tục này chỉ thấy ở cư dân văn hoá Phùng Nguyên miền Bắc Việt Nam, khiến ta có thể khẳng định chắc chắn đây là di cốt của người Phùng Nguyên, sống cách chúng ta 3.500 năm, vì cư dân thuộc các nền văn hoá trước đó như Hoà Bình , Bắc Sơn, Quỳnh Văn, Đa Bút… hay muộn hơn như văn hoá Đông Sơn.. đều không thấy có phong tục nhổ răng này”.
Ngoài việc bộ hài cốt ở tình trạng khá tốt, ngôi mộ này còn có biên mộ rất rõ ràng - một điều rất ít khi tìm thấy trong các di chỉ khảo cổ học thuộc nền văn hoá Phùng Nguyên.
Cùng với bộ hài cốt, các nhà khoa học còn tìm thấy được rất nhiều hiện vật bằng đá (rìu, đục, bàn mài, vòng, hạt chuỗi trang sức), đồ đồng (rìu, dũa, mũi tên, lưỡi câu, mũi giáo…), gốm (mảnh nồi, vò, chạc, bi gốm …) và nhiều công cụ lao động bằng xương, sừng.
|
PGS.TS. Nguyễn Lân Cường bên ngôi mộ cổ thuộc văn hoá Phùng Nguyên |
PGS.TS. Nguyễn Lân Cường cho biết: “Khu di chỉ khảo cổ Đồng Dậu là di tích khảo cổ có quy mô rộng lớn hơn cả trong số các di tích khảo cổ đã biết trên vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Cũng lại là di tích khảo cổ học có tầng văn hoá vào loại dày nhất: khoảng 3m - 3,5m. Nói về hiện vật thì địa điểm này là phong phú đa dạng nhất về mặt chất liệu, số lượng và kiểu dáng”.
Bộ hài cốt người cổ vừa phát hiện được ở Đồng Đậu sẽ được các nhà khoa học bó thạch cao đưa về Bảo tàng tỉnh để chỉnh lý. Riêng hộp sọ sẽ được chắp gắn lại để tiến hành đo đạc, phân tích, tìm hiểu về thành phần chủng tộc, góp phần bổ sung tư liệu làm sáng rõ thêm tiến trình hình thành cư dân Việt cổ trên lưu vực sông Hồng hàng ngàn năm trước.
Phát hiện này cũng sẽ đóng góp phần làm sáng tỏ thêm về nguồn gốc dân tộc Việt Nam - một vấn đề khoa học từ lâu đã được nhiều giới, ngành quan tâm, nghiên cứu…
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:
Hiền Thảo