Vào năm 2018, một bức ảnh cho thấy bộ xương của một sinh vật nửa thân trên hình người, nửa thân dưới với chiếc đuôi cá đã gây xôn xao không ít trên mạng xã hội. Bức ảnh được nhiều hội nhóm nước ngoài chia sẻ với nội dung cho biết đây là bộ xương của một nàng tiên cá thật.
Theo đó, các thông tin cho rằng bộ xương nàng tiên cá này đã được một người nông dân tìm thấy tại Haraldskaer ở Đan Mạch khi đang làm ruộng. Và theo một mô tả chi tiết hơn thì nó được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Đan Mạch ở Copenhagen lần đầu tiên vào năm 2012.
“Nàng tiên cá Haraldskaer” được miêu tả là còn trẻ khoảng 18 tuổi, tính từ đầu đến đuôi khoảng 1m80. Cô có mái tóc dày và dài, đặc biệt hộp sọ của cô gái cho thấy thuộc nhánh Châu Á, nhưng chưa có phát hiện nào trước đây về “Nàng tiên cá” Châu Á ở Châu Âu. Giống loài của nó được tuyên bố là thuộc họ Hydronymphus Pesci - được cho là đã tuyệt chủng vào cuối thế kỷ 17.
Bộ xương gần như còn nguyên vẹn ngoại trừ bàn tay trái bị mất, với tất cả các răng vẫn được bảo tồn, răng nanh đặc biệt dài và sắc nhọn, không có dấu hiệu bị mòn. Bên cạnh đó họ còn phát hiện một chiếc ví, trong đó có răng cá mập, đuôi rắn, vỏ trai và một bông hoa (giống như bất kỳ vật dụng nàng tiên cá nào cũng sẽ giữ trong ví của mình).
Nhìn chung tất cả đều là những thông tin đầy hấp dẫn, nhưng sự thật thì đó hoàn toàn là hư cấu. Trên thực tế, nhà nghiên cứu động vật học và mật mã học người Đan Mạch Lars Thomas đã giải thích, bộ xương nàng tiên cá Haraldskaer là một tác phẩm được hoàn chỉnh với chiếc đuôi lấy cảm hứng từ cá mập.
Tác phẩm được chế tạo bởi Mille Rude, một nghệ sĩ người Đan Mạch, cho một cuộc triển lãm đặc biệt được tổ chức tại Bảo tàng Quốc gia Đan Mạch, Copenhagen vào năm 2012.
Rude lấy cảm hứng từ phát hiện có thật rất nổi tiếng vào năm 1835 của “Người phụ nữ Haraldskaer” - thi thể được bảo quản tự nhiên của một phụ nữ trẻ được tìm thấy ở Haraldskaer Bog, và có niên đại khoảng 490 TCN (thời kỳ đồ sắt tiền La Mã).
“Nàng tiên cá” của nhà văn người Đan Mạch Hans Christian Andersen là câu chuyện nổi tiếng nhất về người cá ở phương Tây.
Cũng vì thế, không quá khó hiểu khi hình tượng nàng tiên cá trở thành một biểu tượng ở đất nước Bắc Âu này. Nàng tiên cá trong tác phẩm của Andersen thậm chí đã được dựng thành một bức phù điêu ở thủ đô Copenhagen, Đan Mạch, và hiện đây là một điểm tham quan nổi tiếng trên thế giới.
Theo CERSEI/VTC