|
Google bị Pháp phạt vì thu thập dữ liệu người dùng - Ảnh: RT |
Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Pháp (CNIL) ngày 21.1 đã đưa ra mức phạt 50 triệu euro (56,8 triệu USD) với Google vì những khiếu nại ở nước này về các hành vi thu thập dữ liệu cá nhân bất hợp pháp của hãng công nghệ Mỹ.
Theo RT, hiện không rõ số lượng cũng như thời gian mà Google thu thập dữ liệu người dùng, cũng như liệu công ty này có dùng dữ liệu người dùng mà họ thu thập được bán cho công ty khác hay không?
Ban đầu, có 10.000 người Pháp đã ký một bản kiến nghị yêu cầu CNIL tổ chức điều tra Google. Kiến nghị tập thể này được nhóm France’s Quadrature du Net và None Of Your Business, những tổ chức phi chính phủ ủng hộ quyền riêng tư của người dùng trên internet.
Cuộc điều tra của CNIL đã đưa ra kết luận rằng Google đã vi phạm hai điều trong Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU đã được phê duyệt vào năm 2016. Theo đó, CNIL nhận định rằng Google đã không cấp quyền truy cập dễ dàng vào những thông tin mà họ đã thu thập từ người dùng và thông tin mà họ cung cấp thường không thể hiểu được. Điều này khiến người dùng không thể quản lý được các sử dụng thông tin cá nhân của họ, đặc biệt là liên quan đến những quảng cáo có chủ đích.
Sự "đồng ý" của người dùng với chính sách toàn cầu của Google cũng không đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý rằng các công ty có được sự đồng ý của họ trong những việc "cụ thể". Chưa hết, nhiều phần mềm trên Android thường đưa ra các yêu cầu đồng ý cho thu thập dữ liệu mà người dùng nếu không đồng ý sẽ không được dùng phần mềm, hoặc dịch vụ đó.
Theo CNIL, mức tiền phạt cao này là do "mức độ nghiêm trọng của các hành vi vi phạm được quan sát thấy" cũng như vị trí của Google tại thị trường Pháp.
Google đã phản ứng lại quyết định phạt này và cho rằng chính sách của họ là cam kết đáp ứng các tiêu chuẩn minh bạch và kiểm soát cao của người dùng, cũng như phù hợp với luật dữ liệu mới nghiêm ngặt của EU. Dù chưa có quyết định phạt chính thức nào được đưa ra, Tòa án Công lý Châu Âu tại Luxembourg hồi tháng trước cho biết họ nghiêng về phía Google.
Theo Ái Vi/Một thế giới