PGS.TS.NGND Nguyễn Vũ Lương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, trong các đơn vị đào tạo học sinh thi Toán quốc tế thì chuyên Khoa học Tự nhiên là nghèo nhất… “nghèo vô địch”. Nhưng đây cũng là ngôi trường “vô địch” về huy chương Olympic quốc tế, đặc biệt là huy chương Vàng. Đó là điều tự hào xen lẫn trăn trở, và cho thấy, làm giáo dục không hẳn là phải giàu, mà cần những người thầy giỏi, tâm huyết, hết lòng vì học trò.
|
PGS.TS. NGND Nguyễn Vũ Lương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Thúy Nga. |
Trường nghèo nhất nhưng… giỏi nhất
Trò chuyện với Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS.NGND Nguyễn Vũ Lương bày tỏ niềm tự hào khi Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên luôn có số học sinh tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và số lượng huy chương đạt được, đặc biệt là Huy chương Vàng nhiều nhất so với cả nước.
Theo thống kê, đến nay, học sinh của nhà trường đã giành được hơn 300 tấm huy chương Olympic quốc tế. Riêng năm 2022, trường đạt kết quả cao nhất, chiếm 7/10 Huy chương Vàng của cả nước (2 Huy chương Vàng môn Toán học, 3 Huy chương Vàng môn Vật lý, 1 Huy chương Vàng môn Hóa học, 1 Huy chương Vàng môn Tin học).
|
PGS.TS Nguyễn Vũ Lương dẫn đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic năm 2003. -Ảnh: HUS. |
Riêng đối với Kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO), từ năm 2001 đến nay, trong số 144 lượt học sinh đến từ 25 trường trên toàn quốc tham gia thi, Trường Chuyên Khoa học Tự nhiên có số lượng học sinh dự thi áp đảo với 32 lượt thí sinh (chiếm hơn 22% tổng số thí sinh của cả nước).
Tuy nhiên, điều đáng nói, đây cũng là ngôi trường nghèo nhất so với các trường chuyên cả nước. “Nếu nói về nghèo, thì Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên cũng là trường nghèo nhất, phải nói là “vô địch nghèo”. Có chuyện vui so sánh thế này, ở một số địa phương, khi học sinh đoạt Huy chương Vàng Olympic, mức thưởng lên tới vài trăm triệu đồng, thì ở chuyên Khoa học Tự nhiên, cả đội chỉ được thưởng 3 triệu đồng, không biết chia thế nào, chỉ đủ uống bia”, NGND Nguyễn Vũ Lương tâm tư.
“Làm học sinh yêu thích học thì tự nhiên giáo dục thành công”
PGS.TS.NGND Nguyễn Vũ Lương cho hay, năm 1993, Trường chuyên Khoa học Tự nhiên là đơn vị đầu tiên tổ chức mô hình học đội tuyển. Trước đó, chỉ những gia đình có điều kiện mới mời được thầy cô giỏi về dạy cho con em mình.
|
Học trò thích thú trước màn biểu diễn văn nghệ của thầy Nguyễn Vũ Lương. Ảnh: HUS. |
Có học sinh đến gặp ông khóc và bảo muốn được học thầy giỏi, đến nhà bạn xin học nhờ nhưng bố mẹ bạn không cho. Vậy là mô hình học đội tuyển tại trường ra đời. Từ khi tổ chức học đội tuyển, không khí học tập tốt hơn, học sinh nghèo cũng có điều kiện được học thầy cô giỏi, thành tích đạt được tốt hơn.
Theo PGS Nguyễn Vũ Lương, giáo dục cần thầy giỏi, có thầy giỏi thì mới có trò giỏi. Từ thực tế câu chuyện trường nghèo mà vẫn có thầy giỏi, học sinh giỏi của chuyên Khoa học Tự nhiên, ông cho rằng, làm giáo dục không hẳn phải có quá nhiều tiền, tuy nhiên, phải có chính sách để thu hút, đào tạo được những người thầy giỏi, làm cho họ cảm thấy được coi trọng.
“Giáo dục cần chính nghĩa, làm sao để có được những người thầy giỏi, đam mê, làm cho học sinh yêu thích học thì tự nhiên giáo dục thành công”, NGND Nguyễn Vũ Lương chia sẻ.
Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Lương, điều này cũng không quá khó. Chẳng hạn, vào mỗi năm, có thể mở các trường hè tập huấn cho các giáo viên từ các chuyên gia, nhà khoa học. Ông nhận thấy, hiện nay, nhiều giáo viên cũng rất tâm huyết, say sưa với công việc giảng dạy. Tuy nhiên, thiếu sự trợ giúp của các nhà khoa học, các chuyên gia giỏi. Đây là công việc không tốn quá nhiều tiền mà lại đạt được hiệu quả. Vấn đề là phải có sự tham gia, quan tâm từ những người làm chính sách, như Bộ GD&ĐT.
Đối với môn Toán, PGS.TS Nguyễn Vũ Lương cho rằng, cần thành lập Ủy ban Olympic Toán. Ủy ban Olympic Toán sẽ tập hợp những người giỏi Toán, có kinh nghiệm dự thi IMO các năm. Ủy ban này sẽ tổ chức kỳ thi chọn đội tuyển thi quốc tế, quyết định từ nội dung thi, chấm thi đến chọn đội tuyển. Từ đó, sẽ thúc đẩy phong trào học Toán. Ở các nước họ cũng có những ủy ban như vậy.
“Các thầy giáo hiện nay rất giỏi, học sinh Việt Nam rất giỏi. Nhưng điều mà chúng ta cần phải rút kinh nghiệm làm tốt hơn là cách tổ chức”, PGS.TS Nguyễn Vũ Lương nói.
Qua nhiều năm giảng dạy, PGS.TS Nguyễn Vũ Lương nhận thấy người Việt Nam có truyền thống học Toán giỏi. Việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi, theo ông rất quan trọng. "Ngay trong thể thao cùng còn phải đào tạo sớm và đào tạo đỉnh cao, vậy tại sao với một môn học giáo dục trí tuệ thông minh như môn Toán lại không làm điều này?", ông đặt câu hỏi. Ngoài ra, một điều nữa, theo ông, những bài Toán thi quốc tế dù khó, nhưng chứa đựng những nội dung hay, hóm hỉnh, bất ngờ. Toán không chỉ có khó, mà còn hấp dẫn, điều đó thể hiện rõ trong sự vui vẻ của học sinh khi học Toán. Toán rất hay và hợp với tố chất của người Việt Nam giỏi Toán. Vấn đề là tổ chức thế nào để thúc đẩy được phong trào học Toán và đào tạo có chất lượng.
Niềm hạnh phúc của người làm công việc vất vả
Là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, gắn bó với ngôi trường từ thuở ban đầu, gian khó nhất, PGS.TS.NGND Nguyễn Vũ Lương quan điểm, đối với mỗi người, được chọn công việc cảm thấy thích và có ý nghĩa, đó là niềm hạnh phúc.
Công việc giảng dạy cho học sinh trường chuyên rất khó, vất vả nhưng cùng với đó là những niềm vui, niềm tự hào. Từ ngày còn trẻ, ông không có ao ước làm giàu, mà tài sản lớn nhất, chính là các thế hệ học sinh trưởng thành. Khi đánh giá một trường học, hay giáo viên, người ta sẽ nhìn vào đầu ra, những kết quả mà học sinh đạt được, những tấm huy chương…
|
PGS.TS Nguyễn Vũ Lương phát biểu tại chuỗi Kỷ niệm 50 năm Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO). |
“Một nghề được đánh giá, tôn vinh từ chính những thành quả của học sinh, thì đó là điều quá hạnh phúc. Xã hội có nhiều nghề, nhưng làm nghề giáo và đạt được những kết quả như đối với chuyên Khoa học Tự nhiên thì say mê lắm. Trường tôi có một câu “châm ngôn”, đó là “hạnh phúc chỉ đến sau thành công”. Không thành công thì không thể nói hay được. Cho nên, các giáo viên đều rất nỗ lực với nghề”, PGS.TS Nguyễn Vũ Lương bày tỏ.
Một điều hạnh phúc nữa, với PGS.TS Nguyễn Vũ Lương, khi là một giáo viên trường chuyên, sẽ được làm nghề một cách tốt nhất. Đặc biệt, học sinh làm thầy giáo giỏi hơn, vì đối tượng học sinh rất giỏi.
“Có lần, tôi gặp bài toán tôi nghĩ suốt 1 - 2 ngày vẫn không ra lời giải. Tôi liền mang ra cho đội tuyển làm thì Ngô Quý Đăng (Huy chương Vàng Toán quốc tế năm 2020 và 2022) giải trong vòng 15 phút. Thầy học lại từ trò là vì vậy”, NGND Nguyễn Vũ Lương kể.
Cùng các giáo viên xây dựng trường chuyên KHTN từ những ngày gian khó, thiếu thốn nhất, PGS.TS Nguyễn Vũ Lương yêu thương các học trò như con, đáp lại, các học trò Chuyên Khoa học Tự nhiên cũng coi thầy Nguyễn Vũ Lương như thần tượng.
Thầy được ví giảng Toán như “lên đồng”. Ngoài nghệ thuật sư phạm tuyệt vời, thầy còn khiến học trò say mê vì quá tài hoa. Dù trên bục giảng, sân bóng, sân khấu ca nhạc hay đấu trường võ thuật,… thầy đều xuất sắc như một cầu thủ, một võ sĩ, một nghệ sĩ thực thụ khiến các học sinh yêu quý, ngưỡng mộ.
Ở tuổi 73, PGS.TS.NGND Nguyễn Vũ Lương vẫn đến trường làm việc, tham gia giảng dạy. Câu nói chỉ dẫn trong bao nhiêu năm của các thế hệ học trò: “Muốn gặp thầy Lương thì đến trường” vẫn đúng cho đến hôm nay.
PGS.TS.NGND Nguyễn Vũ Lương sinh ngày 09/6/1951 tại Hà Nội. Từ 1993-2010, thầy phụ trách Khối Phổ thông Chuyên Toán - Tin, Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Thầy là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (2010-2015).
Từ đầu năm 2016 đến nay, thầy là giảng viên cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên. Thầy được phong tặng danh hiệu NGƯT vào năm 2006 và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2015. Thầy được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân vào ngày 18/11/2017.
Mời quý độc giả xem video: PGS.TS.NGND Nguyễn Vũ Lương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên chia sẻ về Toán học. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan