Năm 2024, ở tuổi 39, PGS.TS. Ngô Quốc Hiển đã trở thành người Việt Nam thứ 4 được bầu làm Viện sĩ IEEE – một trong những danh hiệu cao quý nhất trong lĩnh vực kỹ thuật. Danh hiệu này đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của PGS.TS Ngô Quốc Hiển, đồng thời cho thấy, những nỗ lực của anh đã được cộng đồng khoa học quốc tế ghi nhận. Điều này đã truyền cảm hứng cho các nhà khoa học trẻ trong nước trên con đường theo đuổi nghiên cứu khoa học nhiều thử thách.
|
PGS.TS. Ngô Quốc Hiển. Ảnh: Internet. |
“Người tìm đường cho sóng”
PGS.TS. Ngô Quốc Hiển, sinh năm 1985. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp chương trình kỹ sư chất lượng cao (PFIEV) tại Đại học Bách khoa TP HCM, anh nhận được học bổng toàn phần và theo học tại Đại học Kyung Hee - Hàn Quốc. Tại đây, anh bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu về truyền thông không dây trong giai đoạn 2008-2010, tạo nền tảng cho những bước tiến vượt bậc của anh trong lĩnh vực viễn thông sau này.
Sau khi nhận bằng thạc sĩ từ Đại học Ulsan, Hàn Quốc, PGS.TS Ngô Quốc Hiển tiếp tục bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Linköping, Thụy Điển, vào năm 2015 với nghiên cứu về công nghệ massive MIMO – một trong những công nghệ cốt lõi của mạng 5G.
Nghiên cứu đầu tiên PGS Hiển về Massive MIMO tập trung vào hiệu suất năng lượng và tốc độ truyền dữ liệu của hệ thống. Nhóm nghiên cứu đã đề xuất một hệ thống hoàn chỉnh và chứng minh về mặt lý thuyết, rằng Massive MIMO có khả năng tăng hiệu suất năng lượng và tốc độ truyền lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần so với các hệ thống viễn thông hiện tại.
Tuy nhiên, thời điểm đó, giới khoa học phán đoán, đề tài nghiên cứu của anh không có tính khả thi vì quá khó để xây dựng những trạm phát sóng lớn, cộng thêm sự tiêu tốn năng lượng. Trên thư viện tài liệu khoa học trực tuyến, chỉ có duy nhất công bố của GS Thomas L. Marzetta phác thảo sơ lược ý tưởng về công nghệ này. Kiên trì trên hành trình ấy, anh Hiển vừa đi, vừa phải “dò đường”, bị từ chối xuất bản cũng không nản lòng.
Những nỗ lực cuối cùng cũng được đền đáp. Sau gần 3 năm, nghiên cứu này đã được xuất bản trên tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực viễn thông. Năm 2015, công trình được được trao Giải thưởng Stephen O. Rice của Hiệp hội Truyền thông IEEE, ghi nhận những đóng góp vượt trội trong công nghệ xử lý tín hiệu.
Hiện tại, anh giữ vị trí Reader (tương đương Phó Giáo sư) tại Viện Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin (ECIT) thuộc Đại học Queen’s Belfast, Vương quốc Anh. Tại đây, anh đồng lãnh đạo nhóm nghiên cứu về các kỹ thuật lớp vật lý cho mạng 6G, tập trung vào công nghệ massive MIMO không tế bào.
Thất bại như “cơn gió ngược”
Trong suốt sự nghiệp, PGS.TS. Ngô Quốc Hiển đã có gần 200 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, đặc biệt liên quan đến hệ thống massive MIMO – nền tảng của mạng 5G. Những nghiên cứu của anh không chỉ đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghệ toàn cầu mà còn mở ra những hướng đi mới cho các ứng dụng trong thực tiễn. Anh được giới chuyên môn nhắc đến với biệt danh "người tìm đường cho sóng", thể hiện vai trò tiên phong trong việc dẫn dắt các nghiên cứu công nghệ mạng di động.
Ngoài giải thưởng IEEE Stephen O. Rice Prize danh giá, năm 2023, anh còn đoạt giải thưởng IEEE CTTC Early Achievement Award cho vai trò tiên phong của anh trong nghiên cứu công nghệ lõi mạng di động thế hệ mới.
Không chỉ là một nhà nghiên cứu, PGS.TS. Ngô Quốc Hiển còn là biên tập viên của 5 tạp chí khoa học quốc tế, trong đó có 3 tạp chí hàng đầu thuộc lĩnh vực viễn thông của IEEE. Với sự cống hiến bền bỉ, PGS.TS. Ngô Quốc Hiển đã đưa nhiều ý tưởng khoa học vào ứng dụng trong cuộc sống, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của xã hội.
Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Nguyễn Quốc Hiển tâm sự, đặc thù của nghiên cứu khoa học là thử thách làm được những vấn đề rất khó, chưa có trong hiện tại, và không chắc sẽ được sử dụng trong tương lai. Dù thất bại rất nhiều, nhưng anh luôn giữ một tinh thần vững. Đôi khi những thất bại sẽ tựa như một “cơn gió ngược” phả vào sự say mê, nhiệt huyết, giúp anh lấy lại sự kiên trì, can đảm, niềm tin để tiếp tục “dò đường”, chứ không “đứng núi này trông núi nọ”.
“Nếu có suy nghĩ ấy, mỗi lần thất bại lại thay đổi hướng nghiên cứu thì khó có thể thành công ở một hướng nào cụ thể”, anh Hiển chia sẻ.
Những thành tựu của PGS.TS. Ngô Quốc Hiển đã cho thấy, các nhà khoa học của Việt Nam, bằng tài năng, sự cống hiến của mình, hoàn toàn có khả năng vươn xa trong thời kỳ hội nhập toàn cầu. Những nghiên cứu của anh không chỉ thúc đẩy sự phát triển của công nghệ mạng di động thế hệ mới mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ khoa học quốc tế. Những thành quả của PGS.TS Ngô Quốc Hiển là niềm tự hào, truyền cảm hứng và mở đường cho thế hệ các nhà nghiên cứu trẻ trong tương lai.
Mai Nguyễn