Nhà khoa học lọt top xuất sắc nhất thế giới
Trong lĩnh vực Khoa học máy tính, PGS.TS Lê Hoàng Sơn, Phó Viện trưởng, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội có PGS.TS Lê Hoàng Sơn (ĐHQG Hà Nội). được biết đến là nhà khoa học trẻ tài năng với những công trình nghiên cứu ứng dụng cao, được các công ty công nghệ trong và ngoài nước đón nhận. Đặc biệt, có đến hơn nửa công trình nghiên cứu của ông được ứng dụng ở các nước đi đầu về khoa học công nghệ như Mỹ, Italy, Đức...
|
TS. Lê Hoàng Sơn cùng GS. Hamido Fujita – Tổng biên tạp chí Knowledge-Based Systems tại hội nghị quốc tế KSE 2014. Ảnh: VNU. |
PGS.TS Lê Hoàng Sơn công bố hơn 180 công trình, bài báo trên các tạp chí nước ngoài trong danh mục ISI. Ông là gương mặt lọt vào top 10.000 nhà khoa học xuất sắc của thế giới trong 4 năm liên tiếp 2019, 2020, 2021, 2022, đồng thời được gắn huy hiệu "Rising Star" - ngôi sao khoa học đang lên xuất sắc trên thế giới năm 2022.
Các đề tài của PGS/TS Lê Hoàng Sơn phần lớn được bắt nguồn từ bài toán thực tiễn do nhu cầu của xã hội. Với tâm niệm một nghiên cứu tốt nên bắt nguồn từ yêu cầu trong thực tiễn, cải tiến và đột phá về mặt lý thuyết, cuối cùng quay ngược trở lại để phục vụ xã hội, những nghiên cứu do nhóm của anh thực hiện thường có sự phối hợp của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau như khoa học Trái đất, y tế, môi trường, kinh tế... nhằm tạo ra sản phẩm có ý nghĩa cho cộng đồng. Anh đã xây dựng các thuật toán ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý dữ liệu từ cảm biến môi trường, giúp đưa ra các dự đoán chính xác về thời tiết, thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất…
Các hệ thống do anh phát triển không chỉ hỗ trợ trong việc cảnh báo sớm thiên tai, giảm thiểu thiệt hại mà còn đóng góp lớn vào việc hoạch định chính sách quản lý tài nguyên và môi trường. Nhiều nghiên cứu của anh trong lĩnh vực này đã được công bố trên các tạp chí quốc tế hàng đầu thuộc danh mục ISI.
Đào tạo hoàn toàn “quốc nội”
Khác với nhiều nhà khoa học trẻ thế hệ 8x, lý lịch khoa học của Lê Hoàng Sơn chỉ có một địa chỉ đào tạo duy nhất, xuyên suốt từ bậc đại học đến bậc tiến sĩ, đó là: Khoa Toán - Cơ - Tin, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN. TS. Lê Hoàng Sơn là một minh chứng sống động cho triết lí “đào tạo quốc nội - công bố quốc tế”.
Sinh trưởng trong một gia đình viên chức có bố là bác sĩ, mẹ là giảng viên đại học, ngay từ nhỏ, Lê Hoàng Sơn đã được ngấm dần thói quen làm việc nghiêm túc, cẩn trọng, khoa học của đấng sinh thành. Bố mẹ luôn tạo điều kiện, khuyến khích để cậu con trai cả trong gia đình tập trung theo đuổi giấc mơ khoa học.
Vốn là học sinh chuyên Hóa, lên đại học, PGS.TS Lê Hoàng Sơn đã chọn theo học tại ngôi trường hàng đầu về Khoa học cơ bản là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Tại ngôi trường này, dưới sự dìu dắt của các thầy, niềm đam mê khoa học trong PGS.TS Lê Hoàng Sơn mỗi ngày lại cháy sáng hơn.
Rất nhiều đề tài của PGS Lê Hoàng Sơn mang tính ứng dụng cao đã được các công ty phát triển công nghệ sử dụng ở nước ngoài như: Hệ thống 3D GIS trong thiết kế hạ tầng mạng viễn thông (COMGIS), Xây dựng ứng dụng Iphone trên Android, Xây dựng Web Portal về các loại rượu bằng công nghệ Amazon (Wine Terminal), Bảo tàng trực tuyến (XPOMarket), Xây dựng ứng dụng hiến máu trên Android, Xây dựng ứng dụng quản lí địa chính trên Iphone…
Hoặc các Hệ thống COMGIS đã được ứng dụng tại tỉnh Bolzano-Bolzen của Italy trong việc xác định các trạm thu phát viễn thông; Phần mềm Wine Terminal đã được sử dụng trong các lễ hội thử đồ uống tại Mỹ và một số nước Châu Âu; Phần mềm XPOMarket ứng dụng tải các bảo tàng tại New York (Mỹ) cho phép khách tham quan ảo và đặt mua các bức tranh… Tất cả đều cho thấy các nghiên cứu của TS. Lê Hoàng Sơn có tính ứng dụng thực tiễn, tạo ra các sản phẩm hữu ích cho xã hội.
Sau khi tốt nghiệp đại học, có nhiều cơ hội đi học ở nước ngoài, nhưng anh đã chọn ở lại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên công tác. Lịch sử giàu truyền thống khoa học của ngôi trường hơn trăm năm tuổi và tên tuổi các nhà khoa học nổi tiếng nơi đây đã tiếp sức cho nhà khoa học trẻ như anh nỗ lực cống hiến, thế hiện trách nhiệm của thế hệ kế cận, tiếp bước.
Trong thời gian này, PGS.TS Lê Hoàng Sơn đã tham gia và triển khai nhiều sản phẩm về Hệ thống thông tin Địa lý, Hệ thống dự báo thời tiết, dự báo trượt lở, chẩn đoán bệnh… là những vấn đề thời sự và đang được quan tâm hiện nay. Anh luôn tâm niệm người làm Tin học là người phục vụ, giúp cho người làm chuyên ngành triển khai các ứng dụng, phục vụ cho đời sống, phục vụ cộng đồng, giảm nhẹ thiên tai...
“Điều tôi tâm đắc nhất khi làm việc tại ngôi trường KHTN chính là việc được tham gia trải nghiệm và làm ra các sản phẩm có ý nghĩa. Sự hỗ trợ của nhóm nghiên cứu cũng giúp tôi rất nhiều trong việc hoàn thành các mục tiêu đề ra” , PGS. TS. Lê Hoàng Sơn chia sẻ.
Khi hỏi lý do vì sao một nhà khoa học đào tạo hoàn toàn “quốc nội” mà lại có những công trình vươn tầm quốc tế như vậy, PGS.TS Lê Hoàng Sơn cho hay, anh không bị giới hạn bởi điều kiện địa lí, địa hình và thời gian khi nghiên cứu về các đề tài liên quan đến công nghệ thông tin. Trong ngành công nghệ thông tin, các tri thức có thể dễ dàng được tìm thấy qua mạng và sách báo, đây cũng là sức mạnh của thế giới phẳng.
Theo PGS Sơn, làm nghiên cứu, điều quan trọng không phải làm ở đâu mà là làm cái gì. Để một nghiên cứu khoa học có cơ hội thành công, tôi nghĩ cần có sự lựa chọn đề tài tốt, tìm ra được cái mới, cộng với sự góp sức của người thầy và sự cố gắng của bản thân. Nếu không đủ 3 yếu tố trên, bạn làm ở đâu thì cũng sẽ rất khó khăn.
Chính vì thế, trong quá trình làm nghiên cứu sinh trước đây, anh đã lựa chọn theo chương trình sandwich dưới sự hướng dẫn của PGS Nguyễn Đình Hóa, Viện Công nghệ Thông tin, ĐH Quốc gia Hà Nội và GS Pier Luca Lanzi, giảng viên ĐH Politecnico di Milano, Italy.
"Với tư tưởng và định hướng rõ ràng, tôi kiên định thực hiện nghiên cứu và đã bảo vệ thành công trước hạn. Tôi nghĩ rằng việc đào tạo nước ngoài hay trong nước không ảnh hưởng chất lượng nghiên cứu khoa học", PGS Sơn khẳng định.
Đặc thù của nghề nghiên cứu là đối diện thử thách và dấn thân
PGS. TS. Lê Hoàng Sơn cho hay, đặc thù của nghề nghiên cứu là phải thử thách và dấn thân và kiên nhẫn. Bởi đôi khi, để tìm ra chân lý có thể phải làm đi làm lại thí nghiệm nhiều lần, thất bại nhiều lần. Mỗi lần dù thất bại ta cũng sẽ học ra một điều gì đó. “Cứ đi rồi sẽ thành đường”, PGS.TS Lê Hoàng Sơn chia sẻ.
Một điều cũng khá quan trọng với các nhà nghiên cứu, là khả năng biết lắng nghe, nghe từ đồng nghiệp những người đi trước. Từ đó, sẽ rút kinh nghiệm trong sắp xếp thí nghiệm, làm sao có thể kế thừa được các kết quả đã có một cách hiệu quả.
Đặc biệt, một phẩm chất không thể thiếu được với nhà khoa học, đó là khả năng tự học, tự nghiên cứu. Có những câu hỏi chưa có lời giải đáp, ngay cả thầy và đồng nghiệp cũng không giải quyết nổi, nhưng bằng khả năng tự học và tự rèn luyện, nhà khoa học có thể tìm ra lời giải cho mình.
PGS.TS Lê Hoàng Sơn không chỉ là nhà khoa học say mê nghiên cứu mà còn là cầu nối giúp khoa học Việt Nam tiệm cận với thế giới. Anh thường xuyên tham gia các hội thảo quốc tế, hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học từ Mỹ, Nhật Bản, và châu Âu. Qua đó, anh góp phần khẳng định rằng Việt Nam có thể đứng ngang hàng với các quốc gia phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.
Ngày 15/11/2022, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng biên tập Tạp chí Tin học và Điều khiển học – VietNam Journal of Computer Science and Cybernetics, một tạp chí khoa học uy tín của Việt Nam.
Với những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin, PGS.TS Lê Hoàng Sơn không chỉ góp phần nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.
PGS. TS. Lê Hoàng Sơn cho hay, một trong những bước ngoặt có tính quyết định để theo đuổi nghề nghiệp hiện tại là khi tốt nghiệp đại học. Khi đó anh có cơ hội làm trong công ty nước ngoài về phần mềm vì từng có thời gian thực tập tại các công ty trong nước thời gian học Đại học. Cùng thời điểm đó, anh được chuyển tiếp học Thạc sĩ không qua thi tuyển và được giữ lại ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.
“Tôi đã tự hỏi bản thân đam mê lớn nhất của mình là gì? Và tôi nhận ra rằng đó chính là nghiên cứu khoa học, tạo ra các sản phẩm mới có ích cho xã hội. Tôi đã ở lại công tác tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho đến nay. Thời gian đã chứng minh quyết định của tôi là hoàn toàn đúng đắn”, PGS.TS Lê Hoàng Sơn chia sẻ.
Mai Nguyễn