PGS.TS Đào Việt Hà: Người mở đường trong nghiên cứu độc tố biển

Google News

Với hơn 30 năm cống hiến cho khoa học biển, PGS.TS Đào Việt Hà đã khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu độc tố biển tại Việt Nam.

Với những đóng góp xuất sắc, PGS.TS Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học, Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về Hải dương học của Việt Nam đã được trao tặng Giải thưởng Kovalevskaia năm 2023, ghi nhận vai trò tiên phong của bà trong nghiên cứu độc tố biển và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, bà còn được bầu làm thành viên Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật của Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương (ISA) nhiệm kỳ 2023-2027, thể hiện uy tín và tầm ảnh hưởng của bà trong cộng đồng khoa học quốc tế.
PGS.TS Dao Viet Ha: Nguoi mo duong trong nghien cuu doc to bien
 Ngày 7/3/2024, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao tặng giải thường Kovalevskaia năm 2023 cho PGS.TS Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học.
Người tiên phong trong nghiên cứu độc tố biển
PGS.TS Đào Việt Hà được biết đến như người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu về bản chất, nguồn gốc và cơ chế tích lũy độc tố tự nhiên trong sinh vật biển. Một trong những nghiên cứu tiêu biểu của bà là về độc tính của các loài cá nóc tại vùng biển Khánh Hòa. Kết quả nghiên cứu đã xác định tetrodotoxin là độc tố chính trong các loài cá nóc có nguy cơ gây ngộ độc tại Việt Nam và chứng minh rằng sản phẩm chế biến từ cá nóc độc không an toàn. Những phát hiện này đã cung cấp cơ sở khoa học cho việc quản lý chất lượng thủy sản và đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ ngộ độc từ cá nóc.
PGS.TS Dao Viet Ha: Nguoi mo duong trong nghien cuu doc to bien-Hinh-2
 PGS.TS Đào Việt Hà - Viện trưởng Viện Hải dương học, Chủ tịch ủy ban liên chính phủ về Hải dương học của Việt Nam. Ảnh: NVCC
Cá nóc là một loài sinh vật phổ biến trong các vùng biển của Việt Nam, nhưng chúng chứa độc tố tetrodotoxin – một trong những chất độc tự nhiên mạnh nhất. Đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ ngộ độc nghiêm trọng trong cộng đồng, đặc biệt là tại các vùng ven biển.
PGS.TS Đào Việt Hà đã dành nhiều năm để nghiên cứu cơ chế hình thành, tích lũy và phân bố độc tố tetrodotoxin trong cá nóc. Bà cùng nhóm nghiên cứu đã xác định được rằng độc tố này không chỉ đến từ cơ thể cá mà còn từ các vi sinh vật cộng sinh trong hệ sinh thái biển. Kết quả này đã làm thay đổi nhận thức truyền thống về nguồn gốc độc tố cá nóc và cung cấp nền tảng cho việc xây dựng các biện pháp quản lý rủi ro trong tiêu dùng và khai thác cá nóc.
Ngoài việc xác định nguồn gốc độc tố, bà cũng nghiên cứu về sự khác biệt độc tính giữa các loài cá nóc tại Việt Nam và thế giới. Qua đó, bà khuyến cáo rằng việc chế biến cá nóc thành thực phẩm dù bằng bất kỳ phương pháp nào cũng không đảm bảo loại bỏ hoàn toàn nguy cơ ngộ độc, từ đó góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và hỗ trợ cơ quan quản lý đưa ra các chính sách phù hợp để bảo vệ sức khỏe người dân.
Ngoài cá nóc, một lĩnh vực nghiên cứu nổi bật khác của PGS.TS Đào Việt Hà là độc tố từ các loài tảo độc trong đại dương. Nhiều loài tảo biển, khi nở hoa, sản sinh ra các loại độc tố như saxitoxin, brevetoxin hay domoic acid, gây hại nghiêm trọng cho các loài thủy sản và con người khi tiếp xúc hoặc tiêu thụ.
Trong nghiên cứu của mình, bà đã phát hiện sự tích lũy của các độc tố này trong các loài hải sản như nghêu, sò, và ốc biển – các loại thực phẩm được tiêu thụ rộng rãi ở Việt Nam. Thông qua phân tích chi tiết, bà đã chứng minh rằng các độc tố tảo biển có khả năng bền vững cao và không bị phân hủy hoàn toàn trong quá trình chế biến nhiệt. Điều này đồng nghĩa với việc các vụ ngộ độc thực phẩm do hải sản chứa độc tố vẫn có thể xảy ra, dù chúng đã được nấu chín kỹ càng.
Kết quả nghiên cứu của bà đã hỗ trợ việc xây dựng các quy định kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm thủy sản, góp phần giảm thiểu nguy cơ ngộ độc do các độc tố biển trong cộng đồng.
PGS.TS Đào Việt Hà chia sẻ, hướng nghiên cứu về độc tố biển - một hướng nghiên cứu khó. Là những người đi tiên phong, bà và nhóm nghiên cứu đã bắt đầu với nhiều khó khăn về cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu. Nhưng sau đó, với những cố gắng không ngừng, từng bước, hướng nghiên cứu độc tố biển tại Việt Nam được quốc tế ghi nhận, kinh nghiệm.
“Kiến thức của của chúng tôi trong lĩnh vực này đang được đánh giá cao, có giá trị tham chiếu và khẳng định quan trọng về khoa học trong đối thoại của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế nhằm bảo vệ quyền lợi của các mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu và tăng cường uy tín về năng lực khoa học của Việt Nam”, PGS.TS Đào Việt Hà chia sẻ.
Mừng rơi nước mắt từ giá trị của kết quả nghiên cứu
PGS.TS Đào Việt Hà không chỉ tập trung vào khía cạnh độc hại mà còn khai thác tiềm năng ứng dụng của độc tố biển trong các lĩnh vực khác như y học và công nghệ sinh học.
Những nghiên cứu của bà có giá trị thực tiễn cao, được cộng đồng ghi nhận, giúp người dân nâng cao nhận thức, từ bỏ thói quen ăn cá nóc khi họ biết rằng thịt cá nóc vẫn độc dù được nấu chín kỹ vài tiếng đồng hồ. Đặc biệt, bà đã góp phần cùng các bác sĩ cứu sống nhiều nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm từ động vật độc.
PGS.TS Dao Viet Ha: Nguoi mo duong trong nghien cuu doc to bien-Hinh-3
 PGS.TS Đào Việt Hà cùng cộng sự trong quá trình thực hiệnnghiên cứu khoa học. Ảnh: NVCC
“Tôi từng có giây phút mừng rơi nước mắt khi các bác sĩ y khoa liên hệ với tôi để cảm ơn vì họ đã điều trị thành công, cứu sống nạn nhân của những ca ngộ độc thực phẩm từ động vật độc như cá nóc, so, cua rạn từ các thông tin khoa học về bản chất độc tố mà tôi cung cấp”, bà chia sẻ.
Trong lĩnh vực quản lý môi trường, bà đã đề xuất các biện pháp giám sát và cảnh báo sớm các sự kiện nở hoa tảo độc, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển và ngành công nghiệp thủy sản. Hệ thống giám sát mà bà tham gia phát triển hiện đang được triển khai tại một số khu vực ven biển, mang lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ môi trường và cộng đồng ngư dân.
Với tầm nhìn và sự cống hiến không ngừng, PGS.TS Đào Việt Hà đã đóng góp một cách toàn diện cho sự phát triển của khoa học biển Việt Nam. Những nghiên cứu của bà không chỉ giải quyết các vấn đề thực tiễn như an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người mà còn hướng đến việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển.
Bà đã thực hiện các nghiên cứu nhằm khám phá khả năng sử dụng độc tố tetrodotoxin trong y học như một chất gây tê mạnh hoặc thuốc giảm đau trong điều trị bệnh thần kinh. Những nghiên cứu này không chỉ mở ra hướng đi mới trong việc phát triển dược phẩm mà còn giúp nâng cao giá trị của nguồn tài nguyên biển Việt Nam.
Các nghiên cứu về độc tố biển của PGS.TS Đào Việt Hà không chỉ giới hạn ở Việt Nam mà còn có giá trị trong cộng đồng khoa học quốc tế. Nhiều công trình của bà đã được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế, giúp nâng cao hình ảnh và vị thế của khoa học biển Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Đặc biệt, nghiên cứu của bà về mối quan hệ giữa vi khuẩn cộng sinh và độc tố tetrodotoxin trong cá nóc đã được các nhà khoa học quốc tế đánh giá cao, mở ra các hướng nghiên cứu mới về sinh học vi khuẩn trong hệ sinh thái biển.
Nghiên cứu khoa học cũng là cách khẳng định chủ quyền đất nước
Với vai trò Giám đốc Bảo tàng Hải dương học Nha Trang, PGS,TS Đào Việt Hà đã đã đưa ra ý tưởng và thực hiện các chuyên đề trưng bày mới nhằm tạo nên những điểm nhấn nổi bật trong công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, đặc biệt là đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Điển hình là Khu trưng bày "Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa-Trường Sa" và Khu trưng bày bộ bản đồ biển xuất bản thời Pháp "Hiện diện trên Biển Đông". Trong đó, khu trưng bày "Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa" là điểm trọng tâm của hoạt động truyền thông về chủ quyền biển đảo được xây dựng bố cục đa dạng với nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động nghiên cứu, khai thác và sử dụng tài nguyên trong lịch sử Việt Nam và các mẫu vật tiêu bản cũng như sinh vật sống có liên quan đến hai quần đảo thiêng liêng này.
Chuyên đề trưng bày mới mang chủ đề "Sức sống Đại dương" thuộc khu trưng bày "Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa" bao gồm tổ hợp các bể nuôi sinh vật biển cỡ lớn với công nghệ hiện đại đã được chúng tôi đưa vào hoạt động từ năm 2020 nhằm giới thiệu những thành quả ứng dụng khoa học công nghệ của Viện cũng như sự phong phú về tài nguyên biển của hai quần đảo thiêng liêng này.
"Sức sống Đại dương" đã tạo nên sức hút lớn, gây tiếng vang đối với cộng đồng; qua đó, thông điệp về giá trị của tài nguyên và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc được chuyển tải và lan tỏa. Khu trưng bày bản đồ "Hiện diện trên Biển Đông" là thông điệp truyền thông quá trình liên tục thực thi chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
“Nghiên cứu khoa học cũng là cách khẳng định chủ quyền đất nước”, PGS.TS Đào Việt Hà trải lòng.

PGS.TS Đào Việt Hà sinh năm 1969. Bà là nữ Viện trưởng duy nhất trong tổng số 16 Viện trưởng của Viện Hải dương học từ năm 1922 đến nay. Những đóng góp của bà không chỉ mang giá trị khoa học mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự trách nhiệm của một nhà khoa học đối với cộng đồng và môi trường. Chính vì vậy, bà không chỉ là một nhà nghiên cứu tài năng mà còn là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ theo đuổi con đường khoa học và bảo vệ biển cả.

Mai Nguyễn