PGS.TS Bùi Hiền hoan nghênh tác giả Chữ Việt Nam song song

Google News

PGS.TS Bùi Hiền hoan nghênh tinh thần dám nghĩ, dám bỏ công sức vào công việc nghiên cứu của hai tác giả Chữ Việt Nam song song 4.0.

Trao đổi trên báo Tiền phong về bộ chữ mới Chữ Việt Nam song song 4.0 của tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình, PGS.TS Bùi Hiền - người từng gây nhiều tranh cãi khi đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ cho rằng, bộ chữ cần phải có đánh giá khoa học. Nhưng trước hết chưa có hội đồng ngôn ngữ nào đánh giá, mới chỉ có các nhà khoa học đã phát biểu ý kiến cá nhân, mà ý kiến cá nhân thì ai cũng có quyền phát biểu.

Về quan điểm cá nhân, theo PGS.TS Bùi Hiền: “Đừng thóa mạ người ta, có gì mà thóa mạ người ta. Có gì mà ném đá người ta. Người ta làm công trình chỉ mong để giúp mọi người ứng dụng, còn nếu mà không thích dùng thì thôi. Hoạt động sáng tạo cần được hoan nghênh, không dùng thì thôi".

Xét về mặt nội dung của bộ chữ, ông Hiền nêu quan điểm, đây không phải bộ chữ quốc ngữ, ngay tên của nó là bộ chữ là phiên bản phái sinh từ chữ quốc ngữ, không phải là thay thế chữ quốc ngữ. Dựa vào chữ quốc ngữ, tác giả ghi lại đó bằng bộ chữ mới.

PGS.TS Bui Hien hoan nghenh tac gia Chu Viet Nam song song

PGS.TS Bùi Hiền với đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ

Nói về Chữ Việt Nam song song 4.0, tác giả Kiều Trường Lâm cho rằng, bộ chữ của ông ưu việt hơn bộ chữ của PGS.TS Bùi Hiền công bố trước đó.

Về nhận xét này, PGS.TS Bùi Hiền cho rằng, “Chữ Việt Nam song song 4.0 khác hẳn với bộ chữ của ông.

PGS.TS Bùi Hiền nói, đừng nên so sánh và không nên so sánh như thế. Đừng nên so sánh quả bưởi với quả chanh. Quả bưởi là quả bưởi, quả chanh là quả chanh. Không thể lấy đặc điểm quả bưởi so với đặc điểm của quả chanh được. Đó là so sánh khập khiễng. Chữ của tác giả không phải là chữ quốc ngữ, còn của ông là chữ quốc ngữ.

PGS.TS Bùi Hiền cũng nói thêm: Tác giả chưa hiểu bộ chữ của mình là bộ chữ gì mà đem so sánh. Bản thân tác giả cũng không dám tin bộ chữ của mình hơn chữ quốc ngữ, tác giả vẫn công nhận bộ chữ của mình chỉ song song bên cạnh chữ quốc ngữ nên đối tượng của hai bên khác hẳn nhau.

Theo PGS.TS Bùi Hiền, nếu đó không phải là chữ quốc ngữ không thể đưa vào nhà trường. Vì nó không phải là chữ phản ánh được toàn bộ nội dung của Tiếng Việt, đây chỉ là bản tốc kí của chữ quốc ngữ.

Vì bộ chữ chỉ cần đối với một số người có nhu cầu viết tốc kí nên việc ứng dụng bộ chữ hạn chế công việc và số người. Ai thích thì dùng, nó không có hại nhưng thay được chữ quốc ngữ thì không được.

PGS.TS Bùi Hiền cũng nhấn mạnh, chữ không dấu không phải là phát kiến mới, nó đã có trước đó, trước đây trong thời kì cách mạng đã sử dụng trong văn bản, tài kiệu, giờ gọi là kiểu chữ Telex.

“Của tôi là chữ quốc ngữ, bộ chữ này không phải. Bộ này nếu không có chữ quốc ngữ thì không thể đọc được. Vì thế, phạm vi sử dụng của bộ chữ sẽ hạn chế", ông nói.

Công trình Chữ Việt Nam song song của tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình mới đây đã nhận được giấy chứng nhận bản quyền của Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL). Đây là chữ viết không dấu chỉ sử dụng 26 chữ cái La tinh và trong đó dùng 18 chữ cái La tinh để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho chữ quốc ngữ.

Tác giả Kiều Trường Lâm khẳng định, Chữ Việt Nam song song 4.0 không phải là chữ viết để thay thế chữ quốc ngữ, mà chỉ là một ứng dụng mới trên internet.

Trước đó, đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền cũng đã gây tranh cãi trái chiều trong dư luận, trong đó số đông công chúng phản ứng gay gắt. Theo đề xuất của ông, chữ quốc ngữ cải tiến dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt.

Sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z.

Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r.

Vì âm "nhờ" (nh) chưa có kí tự mới thay thế nên trong bản trên tạm thời dùng kí tự ghép N' để biểu đạt.

Trước đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền, Bộ GD-ĐT khẳng định, để đưa một đề xuất liên quan đến vấn đề cải tiến chữ viết của ngôn ngữ quốc gia vào thực tế cần có sự thẩm định của các chuyên gia, ý kiến của các tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ. Bộ GD-ĐT không đủ thẩm quyền và không có dự kiến áp dụng bất cứ một phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

Tương tự, lên tiếng sau những ồn ào xung quanh bộ chữ mới Chữ Việt Nam song song, Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay Chính phủ, Bộ GD-ĐT không có chủ trương thay đổi chữ viết Tiếng Việt.

 

Minh Thái/Theo Đất Việt