ChatGPT không thể thay thầy cô “dạy người”
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm khi nói tới ChatGPT, đó là liệu sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) có làm mất vị trí của người thầy, và làm thế nào để có thể giữ được sự “liêm chính” trong việc kiểm tra, đánh giá.
|
PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Trần Hải. |
Tại hội thảo “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm, ChatGPT là dấu hiệu cho thấy, giờ công nghệ AI giá rẻ đã xuất hiện để cộng đồng có thể sử dụng. Xu hướng tích hợp AI trong cuộc sống và công việc là không thể đảo ngược.
Đối với giáo viên, ChatGPT là cơ hội giải phóng cho họ khỏi một số công việc mang tính chất lặp lại như thủ tục, văn bản… Tuy nhiên, chat GPT không thể thay thế được giáo viên, đầu tiên là trong việc dạy người.
“Bởi để dạy người thì sẽ phải sử dụng nhân cách của nhà giáo, những phẩm chất người, trong khi đó, AI có thể chưa đạt được điều này”, ông Nam cho hay.
Phân tích thêm, ông Nam cho biết, ở bậc phổ thông, quá trình dạy học phải tuân theo quy luật nhận thức của học sinh.
Theo đó, bước đầu tiên, thầy cô sẽ tìm một câu chuyện, hoạt động nào đó để khởi động, cho học sinh sự hứng thú, tò mò, muốn tìm hiểu chủ đề bài học. Tiếp theo, thầy cô gợi ý học sinh đặt câu hỏi khám phá nội dung tri thức. Sau đó, áp dụng trong tình huống thực tiễn, để xem những tri thức tiếp nhận được đó có phù hợp với các hoàn cảnh hay không. Cuối cùng, mới rút kinh nghiệm cho riêng mình, cá nhân hóa để ghi nhớ.
Và ChatGPT, sẽ không thể thực hiện bước đầu tiên, không thể truyền cảm hứng được cho học trò như người thầy được. ChatGPT chỉ có thể giúp từ phần thứ 2 khi người học đã được các thầy cô gợi ý để nảy ra những câu hỏi thông minh trong đầu. Tuy nhiên, mỗi câu hỏi, ChatGPT có thể đưa ra hàng loạt câu trả lời, trong đó, có cái sẽ đúng ở bối cảnh khác, mà không đúng trong bối cảnh văn hóa Việt Nam.
“Như vậy, vẫn cần tới người thầy hướng dẫn và xác thực thông tin, chỉ có người thầy mới tổ chức được các hoạt động để cho học trò trải nghiệm, rút ra được kinh nghiệm cho mình. Rõ ràng, công nghệ dù phát triển đến đâu vẫn không thể thay thế được người thầy”, ông Nam khẳng định.
Thầy cô là người xác tín những nguồn tin từ Al
Trao đổi thêm với PV Tri thức và Cuộc sống , PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, trong những câu hỏi thường gặp về ChatGPT được công bố trên trang chủ của OpenAI đã khẳng định, ChatGPT có kiến thức hạn chế về thế giới và các sự kiện sau năm 2021. Ngoài ra, cũng có thể tạo ra những hướng dẫn có hại hoặc nội dung thiên vị.
Để bù đắp cho những lỗ hổng kiến thức hiện tại, ChatGPT sẽ cung cấp phản hồi theo khả năng tốt nhất của mình (thường là bịa chuyện) thay vì nói “lỗi” hoặc “không biết”.
Như vậy sẽ ra sao nếu ChatGPT cung cấp cho chúng ta thông tin sai về các nhân vật lịch sử; đưa ra những nhận định có vẻ hợp lý nhưng hoàn toàn “sáng tạo” khi bình luận về một tác phẩm văn học…? Chúng ta cũng đừng quên ChatGPT cũng không có lập trường đạo đức nên sẽ ra sao nếu ChatGPT trả lời những câu hỏi độc hại của học sinh (ví dụ như cách để trả đũa người bắt nạt mình, cách chế tạo bom).
“Tất cả những điều này khiến cho vai trò của người thầy cô càng trở nên quan trọng, bởi thầy cô sẽ là người định hướng và xác tín tất cả các nguồn thông tin do trí tuệ nhân tạo đưa ra”, ông Nam cho hay.
Thay vì cấm, hãy khuyến khích sử dụng khôn ngoan
Nhấn mạnh vai trò không thay thế được của người thầy trước “cơn bão” ChatGPT nhưng PGS.TS Trần Thành Nam cũng cho rằng, ChatGPT sẽ đặt ra những thách thức, buộc người thầy phải thay đổi.
Đó là, giáo viên sẽ phải chuyển đổi từ việc chỉ tập trung dạy nội dung sang dạy phát triển năng lực, từ việc dạy chữ sang chú trọng dạy người. Thậm chí, việc dạy kiến thức sẽ bị lãng quên dần, thay vào đó người thầy sẽ dạy phương pháp, để trò tự tìm kiếm kiến thức. Và truyền cảm hứng cho người học muốn chiếm lĩnh kiến thức đó.
Cụ thể, giáo viên hướng dẫn học sinh cách đặt câu hỏi thông minh để hỏi ChatGPT, rồi hướng dẫn học sinh cách vận dụng những kiến thức mà ChatGPT đã chia sẻ để áp dụng vào cuộc sống và rút ra các bài học.
Nếu dùng ChatGPT một cách hợp lý thì sẽ tạo ra những tài liệu cá nhân hóa theo từng sở thích, nhu cầu, là cơ hội để thúc đẩy việc dạy học theo hướng cá nhân hoá, tạo điều kiện cho học sinh có thể học theo nhịp độ của từng em.
“Thay vì cấm giáo viên, học sinh, sinh viên dùng ChatGPT, hãy khuyến khích sử dụng một cách khôn ngoan, hình thành năng lực số, tận dụng công cụ số để phục vụ cho sự phát triển nghề nghiệp của cá nhân mình”, ông Nam cho hay.
Về nỗi lo dùng ChatGPT sẽ dẫn đến gian lận trong thi cử, ông Nam cho biết, trước đây, chúng ta cũng đã từng lo lắng như vậy khi có Google. Vấn đề quan trọng là, chúng ta sẽ làm sao để học sinh không còn muốn gian lận. Nếu ta loại bỏ được việc học chỉ vì thành tích, điểm số - nguồn gốc của gian lận, thì cũng không cần phải quá lo lắng về việc này.
Đối với việc kiểm tra, đánh giá, tùy vào mục tiêu đưa ra đề bài thế nào thì sẽ sẽ có tiêu chí kiểm tra đánh giá. Thực tế, ông đã từng đề nghị ChatGPT viết một chính sách cho môn học mà sinh viên được sử dụng AI, thì vấn đề liêm chính học thuật thế nào. Câu trả lời rằng, sinh viên có thể được sử dụng văn bản gốc cho vào phần phụ lục, sau đó phải chứng minh phần đầu tư tiếp theo của cá nhân thế nào.
“Nếu chỉ dùng nguyên đáp án từ ChatGPT thì sinh viên không thể qua được môn”, ông Nam cho hay.
PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, ChatGPT và trào lưu AI giá rẻ đang tạo cơ hội lớn cho giáo dục về khía cạnh người học như dạy học cá nhân hóa, Dạy học theo nhịp độ của người học; trở thành gia sư bỏ túi cho mô hình đào tạo tài năng. Nó sẽ giúp rút ngắn thời gian học tập trên lớp, chuyển trọng tâm từ "nhiều giờ học sang giờ học chất lượng" . Nó cũng hỗ trợ đắc lực cho giáo viên giải phóng sức lao động khỏi những công việc văn bản giấy tờ theo khuôn mẫu để tập trung vào sự sáng tạo, truyền cảm hứng và dạy người. Năng lực của người giáo viên trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo sẽ ngày càng giảm trọng số vào kiến thức chuyên môn mà sẽ tăng trọng số vào kỹ năng khoa học giáo dục và kỹ năng sư phạm số.
Mời quý độc giả xem video: "PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ về "ba chân kiềng" của một nhà khoa học". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan