Sauropod tức khủng long chân thằn lằn là loài khủng long to lớn nhất, với đại diện đỉnh cao là các tinanosaurus (thằn lằn hộ pháp) có thể nặng trên 60 tấn.
Những "vua quái vật" này có một vị tổ tiên không thể gây bất ngờ hơn, vừa được tìm thấy tại Hệ tầng Pebbly Arkose ở miền Bắc Zimbabwe. Sau 5 năm khai quật, nhóm nghiên cứu đa quốc gia đã đem về với thế giới hiện đại một bộ xương gần như hoàn chỉnh của một sinh vật... nhỏ bé và đáng yêu.
Các nhà khoa học đang khai quật mẫu vật tại hiện trường - Ảnh: SWITZERLAND DETAIL ZERO
Loài mới được đặt tên là Mbiresaurus raathi, theo tên triều đại Mbire từng cai trị trong khu vực và tôn vinh Michael Raath, người đã giúp giới khoa học phát hiện ra những hóa thạch đầu teien trong khu vực.
Theo Science Alert, với niên đại khoảng 230 triệu năm - tức thuộc kỷ Tam Điệp - đây là một trong những con khủng long lâu đời nhất từng được khai quật trên địa cầu. Đây cũng là con khủng long lâu đời nhất từng được tìm thấy ở châu Phi.
Chân dung của ông tổ "vua quái vật" được phục dựng - Ảnh: NATURE
Nhà nghiên cứu phụ trách bộ phận cổ sinh vật học tại Bảo tàng Khoa học tự nhiên Bắc Carolina - Mỹ Christian Kammerer, đồng tác giả, nói với Live Science rằng mẫu vật cho thấy những con khủng long đầu tiên có thể khác xa với những loài khổng lồ mà chúng ta thường biết.
Ông tổ của "vua quái vật" này chỉ dài khoảng 2 mét và có hông cao 0,5 mét, tức thân hình tương đương một con ngựa nhỏ; trong khi thế hệ cháu chắt như thằn lằn hộ pháp Patagotitan dài tới 37 m.
Mbiresaurus raathi sống trong khoảng thời gian cuối kỷ Tam Điệp, lang thang dọc theo bờ một con sông cổ đại đã trở thành Zimbabwe ngày nay. Đó từng là một hệ sinh thái phong phú của loài khủng long.
Cuộc khai quật cũng làm hé lộ ra hóa thạch của nhiều động vật có vú và khủng long ăn thịt thuộc nhiều thời kỳ. Vào thời cổ đại đó, các lục địa trên Trái Đất còn tụ hội thành siêu lục địa nên những loài cổ đại ẩn mình trong hệ tầng này có thể là những vị tổ tiên mà dòng dõi con cháu đã tỏa đi khắp thế giới trước khi các lục địa bị phân tách.
Với niên đại cổ xưa và vị trí xuất hiện đặc biệt, độ nguyên vẹn đáng kinh ngạc sau khi bị hóa đá tận 230 triệu năm, Mbiresaurus raathi là một phát hiện quan trọng giúp lấp đầy hơn bức tranh ghép về thế giới quái vật cổ đại của Trái Đất.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature.
Theo Anh Thư/Người lao động