Những con ong bắp cày cái có nọc độc để ngăn chặn kẻ săn mồi, nhưng những con đực lại không có sự bảo vệ này. Tuy nhiên, mới đây, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng ong bắp cày đực có chiến lược phòng thủ đặc biệt khác.
Đó là những chiếc gai nhọn trong bộ phận sinh dục của ong bắp cày đực. Chúng tấn công, đâm chọc vào những kẻ săn mồi để khỏi bị ăn thịt.
Video mà các nhà nghiên cứu tại Đại học Kobe ghi lại cho thấy một con ong bắp cày đực bị ếch túm gọn trong miệng. Nhưng nó đã dùng gai nhọn đâm chích vào miệng ếch khiến kẻ săn mồi phải nhả ra ngay lập tức.
Nhà nghiên cứu Shinji Sugiura giải thích rằng: "Cơ quan sinh dục của động vật đực thường nghiên cứu về mặt tương tác cụ thể giữa con đực và con cái nhưng hiếm khi xét về mặt tương tác giữa con mồi và động vật ăn thịt. Nghiên cứu mới nêu bật tầm quan trọng của cơ quan sinh dục đực như một phương pháp bảo vệ chống lại kẻ săn mồi".
Con ếch nhanh chóng buông con ong bắp cày và con ong bắp cày trốn thoát mà không hề hấn gì.
Khi quan sát những con ong bắp cày trong điều kiện phòng thí nghiệm, nhà nghiên cứu Tusjii phát hiện thêm rằng chúng không sử dụng gai nhọn khi giao phối với ong bắp cày cái.
Cơ quan sinh dục của ong bắp cày đực có chức năng như một hệ thống phòng thủ chống lại kẻ săn mồi. Vết đốt của ong bắp cày đực gây ra như một cơn đau bị kim châm chích.
Nhà nghiên cứu Shinji Sugiura cho biết: "Dựa thêm vào kết quả quan sát của Tusjii, tôi đưa ra giả thuyết rằng cơ quan sinh dục nam hoạt động như một phương pháp bảo vệ chống lại kẻ săn mồi".
Quan sát cuộc đụng độ giữa ong bắp cày và ếch cây, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hơn một phần ba cuộc tấn công, ếch bị ong bắp cày châm chích từ những chiếc gai nhọn ở bộ phận sinh dục. Vì quá đau, cuối cùng, ếch phải nhả ong bắp cày ra.
Trong khi đó, nếu cắt bỏ cơ quan sinh dục của ong bắp cày đực thì ếch có thể dễ dàng nuốt chửng con mồi. Trái ngược với ong bắp cày cái, chúng có khả năng phòng vệ tốt hơn cá thể đực. Nghiên cứu cho thấy chưa đến một nửa số ếch cây lao ra tấn công ong bắp cày cái. Trong số những con ong bắp cày tấn công, 86,5% cuối cùng đã từ bỏ.
Theo Hoàng Dung/Vietnamnet