Các loài động vật đang biến mất
Chim sẻ đồng
Tên khoa học: Alauda arvensis. Chiều dài: 18 - 19 cm, sải cánh: 30 - 36 cm. Trọng lượng: 26 - 50 g.
Dân số loài chim này tại châu Âu đã giảm 20% trong vòng 15 năm. Là một loài chim xây tổ trên mặt đất và ăn sâu bọ mà chúng bới tìm trong đất, chim sẻ đồng này bị nguy cấp từ hoạt động nông nghiệp gia tăng của con người, phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ quá nhiều, và chăn thả súc vật quá nhiều tại những nơi chúng làm tổ.
Chuồn chuồn kim
Tên khoa học: Nehalennia speciosa. Chiều dài: 19 - 23 mm.
Loài chuồn chuồn nhỏ bé xinh xắn này sống chủ yếu trong các đầm lầy ao hồ, nhưng chúng đã biến mất tại Bỉ và Luxembourg và đang bị đe dọa diệt vong tại Pháp và Đức. Nguyên nhân chính là do khô hạn từ việc tháo nước ra khỏi đồng, do ô nhiễm môi trường sống và biến đổi khí hậu nóng lên.
Nhím
Loài động vật có gai nhọn, sống trên mặt đất và ăn côn trùng này được đưa vào danh sách loài được bảo vệ từ năm 1981. Nhưng tại Anh, dân số loài nhím đã giảm đi 30% trong vòng 20 năm, từ số lượng 1,5 triệu cá thể vào năm 1995 xuống dưới 1 triệu năm 2015.
Loài nhím chết nhiều nhất là do bị xe cán khi băng qua các tuyến đường liên tỉnh, với con số ước tính đến khoảng 1,8 triệu con bị xe cán mỗi năm. Nhím cũng bị chết do ăn phải những côn trùng bị nhiễm thuốc trừ sâu của con người.
Thỏ hoang
Tên khoa học: Oryctolagus cuniculus. Chiều dài: 45 cm. Trọng lượng: 2 kg.
Đây là loài vật có hại nhiều hơn là có lợi, nhưng dân số chúng đã giảm đi rất nhiều khiến giới khoa học và các nhà sinh vật học lo ngại. Chúng đã bị giết quá nhiều và hiện nay nơi ở của chúng bị giảm đi đáng kể do hoạt động khai thác nông nghiệp của con người tăng nhanh làm thay đổi môi trường sống cố hữu của chúng.
Giun đất
Tên khoa học: Allolobophora rosea. Chiều dài: 4 - 7 cm. Trọng lượng: 1,5 - 3 g.
Trước kia, các nhà khoa học không quan tâm đến những "con trùn" này. Nay thì, mọi người đều biết đây là những "kỹ sư" canh tác giúp đất đai màu mỡ và thực vật phát triển một cách tự nhiên. Song, hiện nay lại chính các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tràn lan đã giết chết chúng rất nhiều.
Động vật tại Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ suy giảm nguồn gen
Giá trị của đa dạng sinh học là vô cùng to lớn và có thể chia thành hai loại giá trị: giá trị trực tiếp và giá trị gián tiếp. Giá trị kinh tế trực tiếp của tính đa dạng sinh học là những giá trị của các sản phẩm sinh vật mà được con người trực tiếp khai thác và sử dụng cho nhu cầu cuộc sống của mình; còn giá trị gián tiếp bao gồm những cái mà con người không thể bán, những lợi ích đó bao gồm số lượng và chất lượng nước, bảo vệ đất, tái tạo, giáo dục, nghiên cứu khoa học, điều hòa khí hậu và cung cấp những phương tiện cho tương lai của xã hội loài người.
Sự đa dạng ở Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc khai thác bừa bãi thiếu ý thức, thiên tai, thói quen canh tác lạc hậu, gia tăng dân số và đô thị hóa. Đặc biệt, hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã đe dọa tới tài nguyên di truyền. Thực tế cho thấy, hiện nay có một số giống đang còn rất ít như lợn Ỉ, lợn Ba Xuyên, gà Hồ…
Một trong những nguyên nhân gây suy giảm nguồn gen tại Việt Nam là do giá trị về nguồn gen chưa được nhận thức đầy đủ. Đặc biệt tại khu vực miền núi và ven biển, nơi sở hữu nguồn gen phong phú và quý hiếm nhưng do trình độ dân trí còn hạn chế nên người dân chưa nhận thức đầy đủ giá trị nguồn tài nguyên đang nắm giữ. Trong khi đó, các tổ chức, cá nhân khai thác nguồn gen không ý thức được trách nhiệm phải chia sẻ lợi ích với bên cung cấp tài nguyên, khiến cho quyền lợi của cộng đồng không được đảm bảo.
Hơn nữa, một nguyên nhân khác dẫn tới sự suy giảm nguồn gen là do hiện nay Việt Nam chưa kiểm soát được hoạt động khai thác nguồn gen của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành thông qua hợp tác nghiên cứu khoa học, liên doanh, sưu tầm, du lịch…
Hậu quả tất yếu dẫn đến là sẽ làm giảm/mất các chức năng của hệ sinh thái như điều hoà nước, chống xói mòn, đồng hóa chất thải, làm sạch môi trường, đảm bảo vòng tuần hoàn vật chất và năng lượng trong tự nhiên, giảm thiểu thiên tai/các hậu quả cực đoan về khí hậu. Cuối cùng, hệ thống kinh tế sẽ bị suy giảm do mất đi các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, môi trường.
Theo Nguyễn Linh/ Kinh Tế Môi Trường