Apple vốn nổi tiếng là một công ty có môi trường làm việc tuyệt vời và đãi ngộ nhân viên tốt. Thế nhưng, mọi thứ không phải khi nào cũng như mơ. Dưới đây là một số chia sẻ thật đến từ chính những nhân viên của Apple về trải nghiệm của họ khi làm việc tại đây. Không ít trong số này sẽ khiến bạn phải rùng mình vì sự khắc nghiệt.
Quy định bảo mật của Apple nghiêm khắc đến mức có thể làm xáo trộn cuộc sống gia đình nhân viên.
Một nhân viên có tên Robert Bowdidge từng chia sẻ trên Quora:
“Tôi không được nói với vợ tôi bất kì điều gì, cô ấy biết tôi đang làm việc tại một tòa nhà khác bên kia phố và thường xuyên về muộn, thế nhưng cô ấy không biết tôi đang làm gì. Khi tôi phải tới Manchester, Anh vì công việc, cô ấy đã đề nghị được đi cùng. Tôi buộc phải nói ‘không đời nào’ - Lúc đó vợ tôi đang làm việc tại IBM. Tôi biết người đứng đầu dự án lo ngại rằng IBM có thể biết một điều gì đó về hoạt động của chúng tôi.”
|
Ảnh minh họa. |
Vợ của bạn được yêu cầu “quên hết mọi thứ đi”.
Kim Scheinberg đã chia sẻ một câu chuyện về chồng của bà, một nhân viên Apple có tên JK, người đã tạo ra một phiên bản Intel của Mac OSX có thể hoạt động trên PC. Bertran Serlet, Phó Chủ tịch mảng thiết kế phần mềm, hứng thú với dự án này:
“Bertrand ngồi xuống cùng JK và nói chuyện với chồng tôi rằng không ai được biết về điều này. Không một ai. Văn phòng tại nhà của chúng tôi cũng được thiết kế lại để phù hợp với tiêu chuẩn bảo mật của Apple.”
“JK nói với Bertrand tôi cũng biết về dự án. Thực tế, tôi không chỉ biết mà còn là người đặt tên cho nó.”
“Bertrand nói với JK rằng tôi phải quên hết mọi thứ tôi biết, và chồng tôi không được phép nói bất kì thứ gì với tôi một lần nào nữa cho tới khi nó được công bố rộng rãi.”
“Tất cả mọi thứ, ý tôi là tất cả mọi thứ, đều được quyết định bởi nhóm marketing tại Apple.”
Một nhân viên giấu tên từng chia sẻ:
“Bên trong Apple, văn hóa ở đây cực kì bí mật và các quyết định được định hướng bởi marketing và yếu tố chính trị. Tất cả mọi thứ, ý tôi là tất cả mọi thứ, đều được quyết định bởi nhóm marketing của Apple và 2 reviewer làm việc tại một số tờ báo của Mỹ. Là một kỹ sư, tôi cảm thấy bị shock khi được thông báo phải tuân theo các yêu cầu về tính năng đưa ra bởi Mossberg và cộng sự của ông. Đáng sợ, điều này khiến tôi muốn bán tất cả cổ phiếu Apple.”
“Tôi có thể trải qua một ngày mà không nói với ai một lời.”
“Nhóm của tôi làm việc tại một tòa nhà ở Vallco Parkway, cách trụ sở chính vài dặm,” một cựu thực tập sinh có tên Owen Yamuachi chia sẻ. “Điều này có nghĩa là tôi làm việc tách biệt với hầu hết thực tập sinh khác và chẳng có có cà phê ở tòa nhà này đâu. Không gian làm việc phải nói là không quá thoải mái - nó có rất nhiều lối đi tối, hẹp cùng phần trần cực kì cao vì một lý do nào đó và các khu văn phòng riêng cho mọi người.”
“Có văn phòng riêng (và rộng một cách không cần thiết) khiến tôi có thể trải qua một ngày mà không nói với ai một lời. Điều này có lợi (tôi có khoảng thời gian tập trung cao độ dài nhất trong cuộc đời) nhưng có cũng hại (cảm thấy khá cô đơn).”
“Quản lý hoang tưởng, thiếu tôn trọng, liên tục gây sức ép và làm việc nhiều giờ.”
Dưới đây là chia sẻ của một cựu nhân viên Apple. Có vẻ như người này đã có một khoảng thời gian rất tồi tệ tại đây:
“Mọi thứ phụ thuộc chủ yếu vào nhóm mà bạn làm việc. Nói chung nó như thể một cái nồi áp suất và mọi giao tiếp đều chỉ theo một chiều (hãy đoán xem nó là chiều nào).”
“Quản lý hoang tưởng, thiếu tôn trọng, liên tục gây sức ép và làm việc nhiều giờ là một số tóm tắt về văn hóa vận hành thực sự tại đây… Hầu hết mọi người tại SDM (quản lý chuỗi cung cầu) coi nó là một thứ họ phải chịu đựng trong vài năm sau khi tốt nghiệp để tìm kiếm một cơ hội tốt hơn với chữ Apple trong CV.”
“Như một ngân hàng đầu tư trong lĩnh vực công nghệ. Văn hóa ở đây theo hướng từ trên xuống dưới: mọi cố gắng để tinh gọn hơn, thay đổi hay đơn giản là một cuộc thảo luộn để làm điều gì đó theo cách tốt hơn cũng không được tôn trọng nếu nó đi từ dưới lên. Làm việc thêm giờ, vất vả hơn, không được phàn nàn hoặc cố gắng sửa chữa bất kì điều gì, đừng quên luôn có 10 người xếp hàng ngoài kia sẵn sàng thay thế bạn.”
“Làm việc ở đây là một sự liều lĩnh. Về điểm cộng, đồ ăn khá ngon và được ăn mặc thoải mái.”
“Tôi sợ những buổi tối Chủ nhật”
Nhà thiết kế Jordan Price sợ những ca làm việc dài và cực kì căng thẳng ông được kì vọng sẽ trải qua.
“Tôi hiếm khi (ý tôi là không bao giờ) được gặp con gái mình vào những ngày trong tuần vì giờ giấc làm việc cứng nhắc. Tôi cũng bị giảm lương khá nhiều nhưng tôi nghĩ mình đang đầu tư cho sự nghiệp lâu dài bằng cách làm việc cho một công ty danh tiếng như thế. Lúc mới vào làm việc cũng gập ghềnh bởi họ có quá nhiều mật khẩu, tài khoản, đăng nhập, phải mất cỡ gần tháng tôi mới có thể vào được máy chủ.
… Tôi bắt đầu trở thành một người luôn chờ đợi chiều thứ 6 trong tuyệt vọng và sợ những buổi tối Chủ nhật.”
“Bạn còn không có thời gian để ngủ”
Một điểm thú vị là ngay cả những nhân viên thích làm việc tại Apple cũng thừa nhận ở đây không có sự tồn tại của sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
“Phải làm việc ban đêm rất nhiều và đôi khi bạn còn không có thời gian để ngủ”.
“Cân bằng giữa cuộc sống và công việc ở đây là một sự dối trá, mọi người làm việc hết sức và ngạc nhiên là, ít nhất với tôi, tôi không ngại ở lại làm thêm vài giờ vì tôi được đối xử khá tốt và không thể đi quá 10 feet mà không gặp một thứ gì đó tuyệt vời.”
“Phải luôn sẵn sàng 24/7.”
Nếu bạn đang phát triển một sản phẩm mới, bạn sẽ bị “trói” chặt với nó.
Một trong những người tham gia đội ngũ phát triển iPad đã chia sẻ về những biện pháp Apple sử dụng để đảm bảo không ai có thể ra ngoài với một chiếc iPad lúc đó:
“Chúng tôi có một căn phòng không có cửa sổ và họ đã thay khá trên cửa ra vào. Tôi và ba nhân sự khác là những người duy nhất dược vào đây. Apple yêu cầu tên và mã số an ninh xã hội của những người có thể vào phòng. Apple còn khoan một lỗ ở bàn và gắn thiết bị vào đó. Họ sử dụng những chiếc cáp xe đạp.”
Theo Vũ Tuấn Anh/Saostar