“Đồ ngự dụng” là một thuật ngữ vô cùng xa lạ. Song, với những phát hiện quan trọng tại khu di sản này, lần đầu tiên giới chuyên môn mới tìm thấy những đồ gốm ngự dụng đích thực dành riêng cho các bậc đế vương.
Nguồn sử liệu quý giá
Trước khi diễn ra cuộc khai quật khu di tích Hoàng thành Thăng Long, năm 2001, trong công trình “Gốm hoa lam Việt Nam”, PGS.TS Bùi Minh Trí, Chuyên gia gốm cổ Việt Nam, đã nói đến những chiếc bát hoa lam hiếm quý vẽ hình rồng chân có 5 móng sắc nhọn trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Hà Nội (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) là đồ ngự dụng của nhà vua thời Lê sơ và suy đoán đây có thể là sản phẩm của lò quan Thăng Long. Một số nhà nghiên cứu khi đó còn tỏ ra hoài nghi vì họ chưa bao giờ nghĩ rằng những chiếc bát này là đồ dành riêng cho nhà vua. Nhưng cuộc khai quật tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long diễn ra sau đó đã xua tan đi sự hoài nghi này và khẳng định đây là sản phẩm gốm cao cấp của lò quan Thăng Long.
Bằng chứng thuyết phục là tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã đào được nhiều loại bát, đĩa hoa lam vẽ hình rồng chân có 5 móng, có phong cách tương tự như những chiếc bát trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cùng với những loại bát, đĩa men trắng mỏng in hình rồng và chữ Quan cực kỳ đặc sắc.
|
Đĩa hoa lam vẽ rồng, thời Lê sơ, thế kỷ 15. Nguồn: Viện Nghiên cứu Kinh thành
|
|
Có một điều lạ, sử cũ Việt Nam cho đến giờ, không có trang dòng mô tả nào về việc lập các lò quan chuyên chế đồ gốm phục vụ cho triều đình và nhà vua. Do đó, các thế hệ hôm nay không ai biết về lò quan và đồ ngự dụng. Người ta chỉ nói nhiều đến đồ gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương) hay biết đến những đồ sứ ký kiểu đặt làm tại các lò Cảnh Đức Trấn (Trung Quốc) được dùng trong Hoàng cung Huế triều Nguyễn.
Vì thế, sưu tập đồ gốm Việt Nam đào được tại khu di chỉ 18 Hoàng Diệu bao gồm những sản phẩm được sản xuất tại các lò ở Thăng Long cũng như các sản phẩm được mang đến từ các lò ở ngoại vi Thăng Long như Chu Đậu, Cậy, Ngói ở Hải Dương hoặc có nguồn gốc nước ngoài có ý nghĩa lịch sử hết sức quan trọng, mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới. Việc phát hiện những đồ sứ ngự dụng tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long là nguồn tư liệu vô cùng quý giá. Nghiên cứu chuyên sâu về các loại hình đồ gốm này sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn về chất lượng sản phẩm, về phẩm cấp, đẳng cấp, đặc biệt là tính văn hóa, xã hội của nó trong bối cảnh lịch sử của các vương triều.
Những biểu trưng của vương quyền
Theo những tài liệu mà PGS.TS Bùi Minh Trí (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành) công bố tại cuộc hội thảo “Gốm ngự dụng Hoàng cung Thăng Long” vừa diễn ra vào ngày 20-12-2021, trong quá trình khai quật di chỉ 18 Hoàng Diệu, nhiều loại đồ gốm cao cấp thời Lê sơ đã xuất lộ, trong đó có nhiều đồ gốm men trắng, đồ gốm hoa lam và đồ gốm vẽ nhiều màu kết hợp phủ vàng, trang trí hoa văn hình rồng chân có 5 móng cùng với những đồ gốm của cung Trường Lạc, một cung điện lớn, quan trọng của Thái hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Hằng (1441-1505) vợ vua Lê Thánh Tông (1460-1497), mẹ vua Lê Hiển Tông.
|
|
Đặc sắc nhất trong số những đồ gốm sứ cao cấp tìm được ở đây là những loại bát, đĩa nhỏ và các loại bình có hình dáng đẹp vẽ hoa văn hình rồng màu xanh lam dưới men với đường nét tinh mỹ, mềm mại, bố cục chặt chẽ, phản ánh sinh lực và quyền uy của các bậc đế vương. Sự kết hợp tài ba giữa các loại men (men lam, men xanh lá cây, men đỏ, men vàng) và phủ vàng thật lên trên các họa tiết đã tạo nên những sắc thái độc đáo, mới lạ và sang quý cho những đồ gốm sứ ngự dụng trong Hoàng cung Thăng Long.
Dường như phong cách nghệ thuật này chỉ xuất hiện và được sản xuất nhiều nhất trong khoảng thời gian ngắn, từ giữa đến cuối thế kỷ 15, dưới thời vua Lê Thái Tông (1433-1442), vua Lê Nhân Tông (1442-1459) và vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Đây là thời kỳ gốm Việt Nam tham gia tích cực nhất vào thị trường mậu dịch gốm sứ châu Á trên biển. Bằng chứng của khảo cổ học chứng thực rõ ràng rằng, những đồ gốm hiếm quý này chủ yếu được sản xuất để phục vụ cho Hoàng cung Thăng Long và một phần được xuất khẩu sang thị trường các nước Hồi giáo giàu có ở Đông Nam Á và Tây Á. Trong bối cảnh đó, đồ gốm vẽ nhiều màu thường được xuất khẩu cùng lô hàng với các loại gốm hoa lam và chúng được sử cũ ghi lại là những đồ vật quý, được sử dụng trong các nghi lễ quan trọng của các cộng đồng giàu có ở các quốc đảo Đông Nam Á.
Chiếc bát thấu quang quý giá
Phát hiện quan trọng và thú vị nhất về đồ gốm ngự dụng trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ đó là đồ sứ men trắng, thấu quang- bát men trắng, thấu quang tìm thấy tại Hố A22, khu A, khu di tích Hoàng thành Thăng Long năm 2003.
Bát có kích thước: đường kính miệng 12,5cm, cao 6,5cm, đường kính đáy 6,35cm và nặng 114 gam. Đây là chiếc bát hiếm hoi còn nguyên vẹn nhất trong tất cả các loại đồ gốm ngự dụng thời Lê sơ đào được tại di chỉ này. Đây cũng là chiếc bát đặc sắc duy nhất có được ở khu di sản Hoàng thành Thăng Long, mà không có nơi nào có được, kể cả di tích Lam Kinh (Thanh Hóa) hay các bảo tàng lớn nổi tiếng hoặc các sưu tập tư nhân giàu có nhất ở trong nước và trên thế giới.
|
Bát sứ trắng mỏng thấu quang in nổi hình rồng và chữ Quan, thời Lê sơ, thế kỷ 15. Nguồn: Viện Nghiên cứu Kinh thành
|
Từ khi phát hiện, chiếc bát đã trở lên rất nổi tiếng, trở thành di sản quý giá của Hoàng thành và nó đã được công bố nhiều trên các sách và tạp chí trong và ngoài nước.
Đặc điểm nổi bật của chiếc bát hiếm quý này là có màu sắc tinh tế, hình thức tao nhã và có trọng lượng rất nhẹ. Thai cốt mỏng nhẹ như vỏ trứng, xương gốm cứng chắc, ánh sáng xuyên qua thai cốt gọi là sứ thấu quang và men có màu trắng ngà hay trắng kem óng mịn, được phủ kín dưới đáy và cả vành chân đế. Chân đế được tạo mỏng đều và mép vành chân đế vê tròn cẩn thận, không cắt vát và để lộ cốt như gốm Hải Dương hay Bát Tràng và Kim Lan. Đáng lưu ý là, khi nghiên cứu so sánh phẩm cấp, chất lượng và độ thấu quang với đồ sứ Trung Quốc thời Bắc Tống (960-1127), chúng ta có thể thấy chất lượng của đồ sứ Việt Nam thời Lê sơ, đặc biệt là độ mỏng, độ tinh xảo, độ thấu quang đã đạt ở độ rất cao, rất hoàn hảo.
|
Đẳng cấp cao sang của chiếc bát này, ngoài chất lượng là đồ sứ thấu quang, đó chính là đồ án trang trí in khuôn nổi hình hai con rồng chân có 5 móng sắc nhọn nối đuôi nhau theo chiều kim đồng hồ, chính giữa lòng bát in chữ Quan (官). Họa tiết hình rồng và chữ Quan có đường nét rất sắc xảo và tinh tế, thể hiện trình độ tay nghề và tính thẩm mỹ rất cao của các thợ gốm tài ba đương thời.
Theo ANTĐ