Ngày 15/6, mạng xã hội lan truyền hình ảnh "cây cô đơn" ở hồ Tây bị gãy đổ. Đây là cây dướng mọc một mình ở bãi đất gần phủ Tây Hồ, còn được gọi là "cây sống ảo" bởi nhiều người trẻ thường xuyên tìm đến check-in, ngắm hoàng hôn.
Trao đổi với Zing, lãnh đạo UBND phường Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội) khẳng định gốc cây bị người lạ chặt phá, chính quyền không có ý định chặt hạ cây này.
Cùng thời điểm, tại tỉnh Trat (Thái Lan), một "cây cô đơn" nổi tiếng khác cũng có dấu hiệu hư hại nghiêm trọng sau khi hàng loạt du khách tìm đến leo trèo, chụp ảnh.
Trả lời The Nation, ông Lertrob Saithongpu, đại diện Tổ chức Koh Mak Tambon, cho biết nhiều nhánh cây bị gãy, phần rễ lớn bị giẫm đạp liên tục và thân cây cong hơn so với những năm trước.
"Cây cô đơn" này thuộc loài Xylocarpus rumphii, sinh trưởng trên đảo hoang Koh Khai Hua Roh. Hòn đảo chỉ rộng vỏn vẹn vài mét, không người cư trú và chỉ có độc một cái cây này.
Nơi này chỉ có thể đón 5 du khách cùng một lúc do diện tích giới hạn. Song, chỉ vài tháng qua, hòn đảo đã đón tiếp lượng lớn du khách sau khi một dân mạng đăng tải bài viết về "cây cô đơn" trên mạng xã hội.
"Cây cô đơn" là tên khách du lịch thường gọi những cây mọc độc lập, đơn lẻ trên một khoảng diện tích rộng như bãi đất, sườn đồi, sa mạc hoặc hồ nước. Dường như mỗi địa danh đều có những "cây cô đơn" nổi tiếng, thu hút mọi người đến check-in nhờ sự độc đáo.
Tuy nhiên, "sống tốt" trên mạng xã hội, nhiều "cây cô đơn" lại bị hủy hoại trên chính mảnh đất của mình.
|
Chính quyền địa phương đề xuất hạn chế lượng du khách tới thăm hòn đảo, chỉ tổ chức du lịch vào một vài thời điểm nhất định để bảo tồn "cây cô đơn". Ảnh: Tourism Authority of Thailand/Trat.
|
Sức hút từ sự đơn độc
Theo The Conversation, khắp nơi trên thế giới đều xuất hiện "cây cô đơn" thuộc nhiều giống, loài khác nhau. Dù chỉ đứng biệt lập, cây này vẫn mang lại nhiều ý nghĩa đối với môi trường tự nhiên.
Cụ thể, trên một khoảng đất trống, "cây cô đơn" chính là cột mốc để các loài động vật xác định phương hướng. Đây cũng là nơi ong và chim trú ngụ, làm tổ, tăng cường hoạt động thụ phấn và mở rộng thảm thực vật xung quanh.
"Cây cô đơn" còn là nơi trú ẩn, hạ cánh và cung cấp thức ăn cho động vật. Dưới tán cây, nhiều loài vật có thể tránh cái nắng như thiêu đốt và ẩn nấp kẻ săn mồi.
Còn đối với hoạt động du lịch, "cây cô đơn" chính là yếu tố đắt giá nhằm thu hút khách tham quan.
Tại Lâm Đồng, cây thông "cô đơn" ở xã Lát, huyện Lạc Dương trở thành điểm check-in đình đám nhờ tọa lạc lẻ loi trên bãi cỏ rộng, nhìn ra hồ Suối Vàng.
Xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế vốn là địa danh yên bình, không tập trung khai thác du lịch. Nhưng sau bộ phim Mắt Biếc năm 2019, nơi này bất ngờ đón đông đúc du khách nhờ có cây vông đồng "cô đơn" nằm giữa đường làng, bên cạnh cánh đồng lúa. Nhiều người trẻ vì hiếu kỳ nên không ngại đi quãng đường hàng trăm km để chụp ảnh cùng cổ thụ nổi tiếng.
Không chỉ ở Lâm Đồng hay Thừa Thiên - Huế, Hà Giang, Hà Nội, An Giang hay TP.HCM đều xuất hiện những "cây cô đơn". Chỉ cần vài tấm ảnh được đăng tải trên mạng xã hội, giới trẻ nhanh chóng tìm đến với hy vọng có được bức hình độc đáo.
|
Cây thông "cô đơn" ở Đà Lạt là địa điểm được nhiều du khách tìm đến. Ảnh: Huenguyenn.
|
Trên thế giới, khách du lịch cũng dành sự yêu thích đặc biệt với những cây mọc đơn độc. Bất chấp địa hình hiểm trở của cây như trên vách núi hoặc dưới lòng hồ, nhiều người vẫn quyết tâm tiếp cận, đu bám, leo trèo nhằm chụp ảnh.
Trong đó, được biết đến nhiều nhất có thể kể đến "cây cô đơn" Llanberis tại vườn quốc gia Snowdonia (Anh). Theo Guardian, cây bạch dương này nổi tiếng đến mức luôn đông đúc du khách thay vì đơn độc như biệt danh của mình. Nếu không có Llanberis, khu vực rừng quốc gia sẽ hoang vắng bởi mọi người thường dành sự quan tâm đến những lâu đài gần đó.
Số phận của "cây cô đơn"
Tuy nhiên, "cây cô đơn" Llanberis đã trở thành nạn nhân của chính sự nổi tiếng, theo Guardian. Từ năm 2020 cho đến hiện tại, nhiều người chứng kiến các cành cây bị gãy và đơn vị quản lý rừng quốc gia không có biện pháp hạn chế khách du lịch.
Năm 2018, cây đơn độc tại hồ Wanaka (New Zealand) cũng không còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ như những hình ảnh ngoạn mục xuất hiện trên mạng xã hội.
Theo CNTraveler, cây liễu mọc lên từ hồ, mực nước khá thấp để con người có thể đi bộ qua và trèo lên cây. Điều này khiến loài cây thân giòn này phải gồng gánh khối lượng lớn, dẫn đến gãy đổ nhiều cành. Trong khi đó, cây sinh trưởng chậm do rễ ngập hoàn toàn trong nước lạnh, những phần hư hại rất khó tái sinh.
Để ngăn chặn tình trạng hư hỏng thêm, Tổng cục Du lịch New Zealand phải lắp đặt các biển cảnh báo cấm leo trèo viết bằng tiếng Anh và tiếng Trung xung quanh cây nổi tiếng.
Chính quyền địa phương loại bỏ phương án lắp đặt hàng rào xung quanh bởi lo ngại làm mất đi vẻ đẹp của tự nhiên.
|
Rễ cây Ténéré vươn sâu 35 m để đến nguồn nước ngầm. Ảnh: Cabinetmagazine.
|
Trước đó, theo The Treeographer, "cây cô đơn" Ténéré cũng bị con người phá hoại. Cây keo này được coi là cây đơn độc nhất thế giới bởi nằm giữa sa mạc Sahara (Nigeria), bán kính 150 km xung quanh không có cây nào khác. Trên bản đồ ở tỷ lệ 1:4.000.000, đây là cây xanh duy nhất được hiển thị.
Cây Ténéré sống sót kỳ diệu trước thiên nhiên suốt 300 năm, cho đến khi bị một tài xế xe tải hạ gục vào năm 1973.
Theo Thục Hạnh/Zing