Những người liên tục chơi game, soạn thảo văn bản sẽ cần bàn phím với thiết kế cao cấp, cảm giác gõ tốt. Trên thị trường có rất nhiều model đáp ứng nhu cầu này, tuy nhiên khi nhắc đến bàn phím không dây, lựa chọn cho bạn sẽ ít hơn.
Đây là các mẫu bàn phím không dây với nhiều thương hiệu và phân khúc tiền khác nhau, đáp ứng nhu cầu thoải mái và tiện lợi khi sử dụng.
Asus ROG Azoth - Từ 7 triệu đồng
Trang Tom’s Hardware đánh giá ROG Azoth là một trong những bàn phím chơi game không dây tốt nhất hiện nay với tốc độ phản hồi nhanh, kết nối ổn định và khả năng tùy biến cao.
Ngoài việc thay nút bàn phím (keycap), bạn có thể thay switch nhanh (hot swap) hoặc bôi trơn switch (lube) với bộ dụng cụ được Asus tặng kèm.
Phần khung của ROG Azoth sử dụng chất liệu nhựa để tránh nhiễu tín hiệu. Bên dưới bàn phím trang bị 3 lớp foam giúp tăng cảm giác gõ, giảm âm thanh vọng ra ngoài. Màn hình OLED trên góc sản phẩm có thể hiện thông số hoặc hình ảnh tùy thích.
Khả năng kết nối của ROG Azoth khá đa dạng với receiver USB, Bluetooth hoặc dây cáp. Thời lượng pin của thiết bị có thể đạt 2.000 giờ nếu dùng receiver, màn hình và đèn RGB đều tắt. Điểm trừ của sản phẩm là layout 75% (84 phím), có thể hơi nhỏ so với một số game thủ và nhỏ hơn bàn phím TKL (layout 87%).
SteelSeries Apex Pro Mini Wireless - Từ 6 triệu đồng
Sở hữu kích thước nhỏ gọn, tuy nhiên model bàn phím chơi game không dây của SteelSeries được đánh giá cao nhờ độ trễ thấp, chất lượng hoàn thiện chắc chắn và nhiều tùy chọn kết nối.
Bạn có thể kết nối sản phẩm với máy tính bằng receiver USB (độ trễ thấp nhất) hoặc Bluetooth (tiết kiệm pin và hỗ trợ nhiều thiết bị). Dựa trên cường độ sử dụng, thời lượng pin trên bàn phím có thể đạt 30-40 giờ.
Tính năng đặc biệt của Apex Pro Mini Wireless là thay đổi hành trình cho từng phím. Ví dụ, bạn có thể đặt phím chơi game nông và dễ nhấn hơn các phím còn lại. Ngoài ra, hệ thống đèn RGB khá phù hợp để trang trí góc làm việc.
Razer Pro Type Ultra - Từ 3,7 triệu đồng
Ngoại hình của Pro Type Ultra khá giống bàn phím thông thường. Tuy nhiên, sản phẩm phù hợp cho cả game thủ và nhân viên văn phòng nhờ cảm giác gõ thoải mái, 2 góc nâng và đệm kê tay tặng kèm giúp đỡ mỏi khi gõ trong thời gian dài.
Do sở hữu thiết kế full-size (104 phím) nên bạn chỉ nên dùng Razer Pro Type Ultra cố định trên bàn làm việc. Bù lại, chế độ kết nối của sản phẩm khá đa dạng với receiver USB, Bluetooth (có thể kết nối tối đa 3 thiết bị) hoặc cắm dây nếu muốn độ trễ ngắn nhất.
Theo Rtings, bàn phím sử dụng nút (switch) Yellow, cảm giác gõ mượt và yên tĩnh nếu bạn không thích ồn ào. Màu sắc trang nhã khiến Razer Pro Type Ultra phù hợp cho những không gian hiện đại và tối giản.
NuPhy Air75 - Từ 3,8 triệu đồng
Mẫu bàn phím không dây low-profile (switch mỏng) của NuPhy khá nhỏ gọn nhưng chất lượng gia công tốt. Theo đánh giá của Rtings, keycap của Air75 khá mỏng, độ lõm theo công thái học giúp đầu ngón tay di chuyển thoải mái.
Bàn phím có thể kết nối bằng Bluetooth (tối đa 3 thiết bị), receiver USB hoặc có dây với cáp USB-A sang USB-C được tặng kèm. Dài đèn RGB tô điểm độc đáo cho sản phẩm, nhưng mặt chữ không được chiếu sáng nên có thể khó đọc trong bóng tối.
Điểm trừ của NuPhy Air75 là kết nối không ổn định khi dùng receiver USB, song bạn có thể khắc phục bằng cách cắm lại đầu chuyển hoặc dùng Bluetooth. Thời lượng pin trên thiết bị có thể đạt 48 giờ sử dụng liên tục, tùy cường độ và dạng kết nối.
Keychron K10 - Từ 2,4 triệu đồng
Có giá bán dễ chịu hơn những thương hiệu khác, Keychron K10 vẫn đáp ứng tốt hầu hết nhu cầu sử dụng cơ bản với kích thước full-size, chất lượng gia công tốt, thiết kế hiện đại nhờ bộ khung nhôm.
Keycap trên Keychron K10 dùng chất liệu nhựa, hỗ trợ hot swap giúp thay switch nhanh chóng. Dung lượng pin 4.000 mAh hứa hẹn cho thời gian sử dụng 70-240 giờ tùy cường độ và độ sáng của đèn nền.
Điểm trừ của Keychron K10 là chỉ hỗ trợ kết nối Bluetooth, không có dây cáp hoặc receiver USB. Bù lại, bạn có thể kết nối và chuyển đổi nhanh giữa 3 thiết bị khác nhau.
Apple Magic Keyboard 2 - Từ 2,3 triệu đồng
Chiếc bàn phím cơ bản của Apple với cách bố trí cho những người quen thuộc với MacBook. Bạn có thể kết nối sản phẩm ngay lập tức, với thời lượng pin có thể kéo dài nhiều tháng.
Những nút bấm của Magic Keyboard có kích thước tiêu chuẩn. Nếu dùng máy tính với chip M1, bạn còn có thể dùng cảm biến vân tay Touch ID để tăng cường bảo mật.
Màu sắc và thiết kế của bàn phím phù hợp cho những không gian tối giản, hiện đại, đặc biệt đồng bộ với ngôn ngữ thiết kế sản phẩm của Apple. Dù vậy, cơ chế và cảm giác gõ phím trên Magic Keyboard có thể không thuyết phục một số người với nhu cầu cao.
Logitech Signature K650 - Từ 1 triệu đồng
Trong tầm giá khoảng 1 triệu đồng, bạn hoàn toàn có thể mua các mẫu bàn phím không dây chất lượng tốt, cảm giác gõ thoải mái dù sử dụng cơ chế nút truyền thống thay vì switch cơ học. Một trong những model được Rtings khuyên dùng là Logitech Signature K650.
Điểm nổi bật của sản phẩm đến từ thiết kế full-size với 104 phím tiêu chuẩn, thêm dàn nút chỉnh nhạc và âm lượng phía trên.
Nhờ chân đế chỉnh góc nghiêng và đệm kê tay tích hợp sẵn, bạn sẽ cảm thấy thoải mái dù gõ phím cả ngày. Thiết kế nút bấm sâu, bao phủ mặt trước giúp giảm bụi bẩn rơi vào trong.
Bàn phím sử dụng 2 viên pin AA, cho thời gian hoạt động tối đa 36 tháng, hỗ trợ kết nối bằng receiver USB hoặc Bluetooth. Với mức giá rẻ, bạn không thể đòi hỏi những tính năng như đèn nền, pin sạc hay kết nối nhiều thiết bị.
Lenovo ThinkPad TrackPoint Keyboard II - Từ 2,5 triệu đồng
Bạn không thể bỏ qua chiếc bàn phím không dây kiêm trackpoint đến từ Lenovo nếu là fan lâu năm của dòng laptop ThinkPad. Những yếu tố như cảm giác gõ thoải mái, hành trình rộng, dạng phím mô phỏng đầu ngón tay vẫn được duy trì trên sản phẩm.
Do không sử dụng switch cơ học, trackpad bị loại bỏ để thay bằng trackpoint nên kích thước sản phẩm khá nhỏ gọn, dễ dàng mang đi mọi nơi. Các phím điều hướng như Page Up, Page Down, Home... được tích hợp khéo léo để sử dụng khi cần thiết.
Bàn phím hỗ trợ nhiều chế độ kết nối như receiver USB hoặc Bluetooth. Điểm trừ của sản phẩm là giá cao, không có đèn nền, không tương thích macOS và Linux.
Logitech MX Keys - Từ 2,5 triệu đồng
So với những model rẻ hơn, dòng MX Keys của Logitech nổi bật với đèn nền, phím bấm hình vuông và lõm theo dạng công thái học. Sản phẩm cũng hỗ trợ kết nối 3 thiết bị thông qua Bluetooth.
Với kích thước full-size, dàn phím số và phím điều hướng bên phải sẽ phù hợp hợp nếu bạn thường xuyên làm việc trên bảng tính. Tất nhiên, kích thước này khiến MX Keys khó di chuyển. Nếu bật đèn nền, thời lượng pin của sản phẩm cũng khá ngắn (1-2 tuần).
Microsoft All-in-One Media Keyboard - Từ 900.000 đồng
Nếu kết nối máy tính với hệ thống giải trí tại gia như TV, NAS hay Raspberry Pi, bạn sẽ cần bàn phím không dây với khả năng điều khiển con trỏ chuột, dàn nút chỉnh nhạc và âm lượng. Kích thước sản phẩm phải nhỏ gọn để đặt trên đùi hoặc bố trí trong không gian hẹp.
Đó là những ưu điểm trên mẫu bàn phím chuyên cho đa phương tiện của Microsoft. Bên cạnh dàn phím bình thường, sản phẩm còn tích hợp trackpad bên phải và các nút chỉnh âm thanh.
Theo Expert Reviews, điểm trừ của thiết bị là kích thước phím hơi nhỏ, gây khó chịu khi sử dụng lâu. Bù lại, sản phẩm trang bị công nghệ chống tràn nước, phù hợp để bố trí trong phòng khách với nguy cơ đổ nước cao.
Logitech K380 - Từ 600.000 đồng
Với bố cục sắp xếp tương tự bàn phím trên MacBook, Logitech K380 có kích thước nhỏ gọn, phù hợp nếu bạn thường di chuyển, làm việc trong không gian chật hẹp.
Điểm nổi bật trên Logitech K380 là khả năng kết nối, chuyển đổi nhanh chóng giữa 3 thiết bị bằng Bluetooth. Theo New York Times, thời lượng pin của bàn phím có thể đạt tối đa 2 năm với nhu cầu sử dụng thông thường.
Keycap trên K380 không quá lớn nên người với ngón tay to có thể không thoải mái. Bù lại, các nút bấm hình tròn giúp người dùng dễ phân biệt và gõ nhanh hơn khi đã quen tay.
Theo Zing