|
Thông tin cá nhân của nhiều người dân đã bị một số đối tượng đánh cắp và sử dụng với nhiều mục đích. Ảnh: Chiến Công |
Rao bán công khai
Theo phản ánh của một chủ DN tại Hà Nội với phóng viên Kinh tế & Đô thị, vị này đã mất hàng chục tỷ đồng chỉ vì
thông tin cá nhân bị đánh cắp qua mạng và bị lợi dụng. Chủ DN giấu tên cho biết, các đối tượng đã đánh cắp được số điện thoại, tên, tuổi địa chỉ của mình. Từ đó, chúng dùng nhiều thủ đoạn như gọi điện thông báo người này có tài khoản giao dịch liên quan đến cơ quan pháp luật và đề nghị phối hợp Bộ Công an truy bắt tội phạm. Các đối tượng không chỉ yêu cầu gửi tiền làm “mồi”, chúng còn đòi hỏi chuyển rất nhiều lần, thậm chí còn yêu cầu mở thêm tài khoản ngân hàng. Từ đó, các đối tượng chiếm đoạt số tài sản vô cùng lớn. Có thể nói đây là một trong những nạn nhân điển hình của việc thông tin cá nhân bị đánh cắp và bị lợi dụng.
Có nhiều trường hợp thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ nhà riêng, email... của người dùng bị thu thập từ nhiều nguồn như diễn đàn, mạng xã hội... Do đó để giảm thiểu những thông tin trên bị lợi dụng vào mục đích không tốt, người dùng cần hạn chế đưa chúng lên môi trường mạng.
Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena Võ Đỗ Thắng
|
Trên thực tế, việc rao bán thông tin cá nhân, rao bán danh sách khách hàng tiềm năng đang là một thực trạng nhức nhối, xâm phạm đến quyền riêng tư của công dân. Đóng vai là chủ DN tìm kiếm danh sách khách hàng tiềm năng, phóng viên phát hiện nhiều địa chỉ rao bán thông tin cá nhân khách hàng cập nhật từng chi tiết từ email, số điện thoại, địa chỉ… cho đến thông tin mật hơn về số tiền trong tài khoản của khách hàng cũng được tiết lộ.
Một số trang còn có hẳn nhiều bài viết giới thiệu chi tiết các danh sách, kèm theo hình chụp màn hình máy tính một phần danh sách như để minh chứng dữ liệu có thật. Thậm chí nhiều trang còn tặng miễn phí nhiều danh sách khách hàng cũ từ những năm trước, chỉ bán những danh sách mới nhất với nhiều thông tin nhất. Có thể nói, nguồn thông tin, dữ liệu cá nhân được thu thập đăng tải trên các web mua bán, dữ liệu người dùng khá phong phú, như danh sách khách hàng VIP sở hữu xe ô tô trên toàn quốc, danh sách khách hàng sử dụng thuê bao di động trả sau tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh…
Thậm chí, tùy theo nhu cầu và đối tượng tiếp cận từ khách hàng trung lưu hay thượng lưu, thông tin người dùng được rao bán, phân loại kỹ lưỡng.
Đủ thành phần, lĩnh vực
Tại nhiều trang web, khá nhiều danh sách độc như: Khách hàng Ford miền Bắc, danh sách khách hàng của các ngân hàng, danh sách phụ huynh học sinh, danh sách khách hàng các dự án bất động sản, khách hàng Mercedes, chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên câu lạc bộ doanh nhân... Những thông tin cá nhân được rao bán, cho tặng, có đầy đủ tên, giới tính, vị trí công việc, địa chỉ nhà ở. Đối với các dự án bất động sản, các đối tượng còn cung cấp là thông tin chi tiết về mã căn hộ hoặc mã căn village đã mua tại dự án đó, số điện thoại, email, website…
Truy cập vào website danhsachmoi.com, người dùng dễ dàng đọc được lời rao “mua bán danh sách data khách hàng VIP tiềm năng chất lượng cao”. Theo quảng cáo, website này thu thập, lưu trữ những thông tin mới nhất. Bên cạnh mục mua bán data là mục liên hệ niêm yết công khai số điện thoại để khách hàng có nhu cầu sẽ điền các thông tin bắt buộc gồm họ và tên, email, số điện thoại di động, ngành nghề kinh doanh.
Theo tìm hiểu của PV, khi người dùng được yêu cầu điền các thông tin cá nhân vào một biểu mẫu trên website datakhachhang.net thì được hứa hẹn cho tải xuống dữ liệu khách hàng mới miễn phí từ bộ 3 website danhsachkhachhang.com, datakhachhang.net, danhsachmoi.com. Cho thấy, các đối tượng vận hành 3 website mua bán thông tin cá nhân này có liên hệ chặt chẽ với nhau hoặc cùng là một đối tượng.
Chúng tôi thử liên hệ với một người tên là Nam, được cho là đại diện một số trang như: datakhachhang.net, danhsachmoi.com... nhưng nhiều lần thử gọi trực tiếp lẫn nhắn tin muốn mua danh sách khách hàng nhưng không có phản hồi. Tuy nhiên, bằng cách soạn tin nhắn nêu rõ nội dung cụ thể về số lượng, đối tượng khách hàng thì chỉ ít lâu chúng tôi đã nhận tin nhắn trả lời với khá đầy đủ chi tiết: 10.000 khách hàng cập nhật tháng 1/2020 có giá 2 triệu đồng; cập nhật vào tháng 2/2020 giá 3 triệu đồng; tháng 3/2020 lên đến 6 triệu đồng.
Sử dụng danh sách khách hàng là hành vi trái luật
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật Basico nhận định: “Hành vi này đang phạm với mức độ vô cùng nghiêm trọng khi danh sách mật của khách hàng ở mọi lĩnh vực đều bị đánh cắp và rao bán công khai. Thậm chí, nhiều khách hàng còn bị đánh cắp dữ liệu chi tiết đến mức kẻ xấu nắm được thời điểm khách hàng gửi ngân hàng, ngày đáo hạn, lãi suất… Việc đánh cắp thông tin cá nhân và rao bán này có dấu hiệu tội phạm hình sự.”
Luật sư Đức cho biết, mặc dù đã có văn bản quy phạm pháp luật (Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Công nghệ thông tin...) có đề cập tới bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng chưa đầy đủ và thiếu chế tài đủ mạnh. Do đó, các cơ quan chức năng khó xác định và xử lý. Pháp luật hiện hành đã có chế tài về việc thu thập, mua bán thông tin cá nhân trái phép. Một trong số đó, Khoản 5, Điều 7, Luật An toàn thông tin mạng 2015 quy định nghiêm cấm “Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân.”
Hiện tại mới chỉ có Luật An toàn thông tin mạng quy định về nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân, nhưng theo hướng cá nhân tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ quy định của pháp luật. Điều này đặt ra vấn đề cần bổ sung thêm các nguyên tắc pháp lý mạnh mẽ hơn để bảo vệ dữ liệu người dùng.
Theo thông lệ quốc tế, chỉ tính riêng hành vi vô ý làm lộ thông tin cá nhân của người dùng, gây ảnh hưởng đến quyền riêng tư cá nhân đã bị các cơ quan chức năng xử phạt rất nặng, nhiều vụ việc án phạt lên đến hàng tỷ USD. Luật sư Đức cảnh báo, hành vi rao bán công khai trên mạng dễ dẫn đến nhiều hậu quả pháp lý nghiêm trọng hơn khi dữ liệu thông tin của khách hàng tại ngân hàng, DN, nhà cung ứng, phân phối… bị đánh cắp và đây là miếng mồi cho những vụ lừa đảo, chuyển tiền bất hợp pháp, đánh bạc, gian lận gây thiệt hại lớn cho cá nhân, DN.
Việc sử dụng thông tin cá nhân rao bán qua mạng là hành vi trái luật, ảnh hưởng trị an xã hội, quyền lợi của công dân và vô tình tiếp tay cho tội phạm mạng, cần tuyệt đối cảnh giác và đề phòng cũng như tố giác các đối tượng rao bán thông tin cá nhân qua mạng.
Luật sư Trương Thanh Đức
|
Nghị định số 174/2013 quy định, hành vi không có biện pháp bảo vệ thông tin riêng hoặc thông tin cá nhân của người sử dụng bị phạt 10 - 20 triệu đồng; phạt tiền 30 - 50 triệu đồng với hành vi tiết lộ trên môi trường mạng thông tin thuộc bí mật kinh doanh hoặc tiết lộ trái phép nội dung thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông; phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng với hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Như vậy, mức phạt cao nhất mới chỉ là 70 triệu đồng.
|
Theo Hà Thanh/Kinhtedothi