Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa qua đã cảnh báo 4 thủ đoạn lừa đảo trực tuyến, trong đó có chiêu trò mạo danh để bán vé tàu xe dịp Tết. Chiêu trò tinh vi này không chỉ khiến người tiêu dùng trở thành con mồi bị "sập bẫy" trên không gian mạng mà còn làm mất cơ hội đoàn viên trong dịp lễ Tết quan trọng.
Chiêu trò lừa đảo mua vé tàu xe Tết online đang xuất hiện tràn lan trên không gian mạng. Ảnh: Internet.
Thủ đoạn lừa đảo cực tinh vi
Theo ghi nhận từ cơ quan chức năng, các đối tượng lừa đảo thường tạo lập các website giả mạo, fanpage trên mạng xã hội hoặc mạo danh đại lý vé chính thức. Những trang này có giao diện tương tự các hãng uy tín, sử dụng logo, màu sắc và tên miền dễ gây nhầm lẫn. Một số trang còn cung cấp tổng đài giả mạo để tăng tính thuyết phục.
Các đối tượng thường đánh vào tâm lý lo lắng không có vé của người dân, tung ra các ưu đãi hấp dẫn như vé giá rẻ hoặc chương trình giảm giá lớn. Khi khách hàng liên hệ đặt vé, chúng yêu cầu chuyển khoản từ 30-100% giá trị vé trước khi xác nhận giao dịch. Sau khi nhận tiền, đối tượng ngay lập tức chặn liên lạc hoặc yêu cầu nạn nhân chuyển thêm tiền với lý do sai cú pháp hoặc cần đặt cọc thêm để lấy lại tiền.
Một thủ đoạn khác là giả mạo đại lý của các hãng vận tải lớn như Vietnam Airlines hoặc ngành đường sắt Việt Nam. Đối tượng lừa đảo mua vé tàu xe Tết online tạo ra các trang web có tên miền gần giống như "Vietnamairslines.com" hay "Duongsatviet.com", khiến nhiều người không cảnh giác sập bẫy.
|
Trang web giả mạo có tên “Vietnamairslines.com”. Nguồn: Công an TP Đà Nẵng . |
Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng các hội nhóm trên Facebook hoặc Zalo, đăng tải thông tin hấp dẫn về vé giá rẻ, vé phút chót. Một khi khách hàng liên hệ, chúng nhanh chóng yêu cầu chuyển khoản đặt cọc.
Sau khi lừa một nạn nhân giao dịch chuyển tiền đặt chỗ xe khách, đối tượng lừa đảo đã chặn liên lạc.
|
Sau khi lừa một nạn nhân giao dịch chuyển tiền đặt chỗ xe khách, đối tượng lừa đảo đã chặn liên lạc. Nguồn: Công an TP Đà Nẵng . |
Nguyễn Đức Triệu, một đối tượng sinh năm 2000, trú tại thôn Đỗ Hạ, xã Quang Vinh, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, đã lợi dụng các hội nhóm Facebook để nhận đặt cọc vé xe giường nằm nhân danh nhà xe Kim Anh Open Tour. Triệu đăng tải các bài viết mạo danh đại lý chính thức, nhận tiền đặt cọc từ khách hàng và sau đó tiếp tục lừa họ chuyển thêm tiền với lý do như "sai cú pháp chuyển khoản" hoặc "cần thanh toán thêm để giữ vé". Từ tháng 4 đến tháng 9/2024, Triệu đã chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng từ hàng trăm nạn nhân trên cả nước. Khi nhận đủ tiền, hắn ngay lập tức chặn liên lạc và chuyển tiền qua nhiều tài khoản ngân hàng để tránh bị phát hiện.
|
Đối tượng Nguyễn Đức Triệu tại cơ quan điều tra. Ảnh: Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. |
Anh L.C.H. (quận 3, TP.HCM) chia sẻ, cách đây một tháng, anh có đặt mua vé máy bay về Thanh Hóa ăn Tết. Vì kinh tế khó khăn, anh lên MXH tìm vé giá rẻ và thấy một bài đăng trong hội nhóm “Vé máy bay giá rẻ” (hơn 800.000 thành viên), rao bán vé chỉ 1.500.000 đồng/chặng, rẻ hơn nhiều so với giá trên website của hãng hàng không.
Bị hấp dẫn bởi mức giá này, anh liên hệ người bán. Họ yêu cầu anh chuyển khoản trước để xuất vé và cam kết sẽ gửi mã vé ngay sau khi nhận tiền. Tin tưởng, anh H. đã chuyển khoản nhưng không nhận được mã vé như hứa hẹn. Khi liên hệ lại, người bán tiếp tục yêu cầu anh thanh toán thêm 500.000 đồng để mua "bảo hiểm chuyến bay" thì mới được cấp mã vé.
“Lúc này, tôi bắt đầu nghi ngờ và cố gắng yêu cầu hoàn tiền hoặc giải thích rõ ràng. Nhưng họ bắt đầu lảng tránh, không trả lời, và chặn hết mọi liên lạc. Tôi nhận ra mình bị lừa, do đó mọi người hãy cẩn thận, chỉ mua vé qua các kênh chính thức và uy tín, tránh để mất tiền oan như tôi” – anh H nói.
|
Chỉ cần gõ từ khóa "vé máy bay giá rẻ" trên công cụ tìm kiếm, hàng loạt hội nhóm xuất hiện với lượng người tham gia đông đảo. Ảnh: Chụp màn hình FB. |
Tương tự, chị VTL (Biên Hòa, Đồng Nai) cũng bị lừa 1.000.000 đồng khi mua vé qua một trang web giả mạo. Chị thấy một website trông giống hệt của hãng hàng không lớn, với mức giá cực kỳ hấp dẫn. Sau khi điền thông tin và thanh toán, chị không nhận được mã vé. Chị cố gắng liên hệ lại nhưng trang web không phản hồi và đã bị khóa. Câu chuyện này chỉ là một trong hàng trăm trường hợp tương tự. Những mất mát này không chỉ gây tổn thất về tài chính mà còn làm gián đoạn niềm vui đoàn tụ gia đình trong dịp lễ Tết.
Chuyên gia lên tiếng cảnh báo
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), cảnh báo: "Các đối tượng thường lợi dụng sự thiếu cảnh giác của người dân, đặc biệt là trong những thời điểm nhu cầu mua vé tăng cao. Việc tạo lập các website giả mạo ngày càng dễ dàng, vì vậy người dân cần hết sức thận trọng khi giao dịch trực tuyến."
Bà Phạm Thị Anh Đào, Trạm trưởng Trạm vận tải đường sắt Hà Nội, nhấn mạnh: "Ngành đường sắt chỉ cung cấp vé thông qua các kênh chính thức, bao gồm website của ngành và các điểm bán vé trực tiếp. Bất kỳ chương trình khuyến mãi nào không được công bố qua các kênh này đều là giả mạo."
Đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết thêm: "Chúng tôi đã ghi nhận nhiều trường hợp website giả mạo, mạo danh tổng đài của hãng. Khách hàng cần cảnh giác, chỉ đặt vé thông qua website và ứng dụng chính thức của hãng hoặc các đại lý được ủy quyền."
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên không gian mạng. Các đối tượng không chỉ mạo danh các hãng xe, hãng hàng không mà còn sử dụng chiêu thức liên hoàn. Sau khi lừa tiền đặt cọc, chúng tiếp tục dụ dỗ nạn nhân chuyển thêm tiền với lý do hỗ trợ lấy lại tiền cọc hoặc yêu cầu bổ sung phí. Từ tháng 4 đến tháng 9/2024, hàng trăm vụ lừa đảo đã được ghi nhận với tổng số tiền chiếm đoạt lên tới hàng trăm triệu đồng.
Đại diện Cục An ninh mạng nhấn mạnh: "Người dân cần tỉnh táo, kiểm tra kỹ thông tin từ các nguồn chính thức trước khi thực hiện giao dịch. Đặc biệt, khi phát hiện bất thường, cần báo ngay cho cơ quan công an để được hỗ trợ xử lý."
|
Coi chừng dính "bẫy" mua vé máy bay giá rẻ trên mạng. (Ảnh: THẢO HIỀN) |
Trước vấn nạn lừa đảo online hiện nay, Trung tâm Internet Việt Nam đã triển khai cổng thông tin để tiếp nhận phản ánh về các trang web giả mạo. Qua đó, các trường hợp lạm dụng tên miền hoặc hành vi lừa đảo trực tuyến sẽ được phân tích và phối hợp xử lý. Người dân có thể gửi thông tin về các trường hợp nghi ngờ qua cổng thông tin này.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã triển khai các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn thông tin. Các tổ chức, cá nhân bị hại được khuyến cáo giữ lại toàn bộ bằng chứng giao dịch và thông báo ngay cho công an địa phương để hỗ trợ điều tra.
Lừa đảo bán vé tàu, xe Tết có thể bị phạt tù
Theo quy định của pháp luật, hành vi lừa đảo bán vé tàu, xe Tết được coi là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Các đối tượng lừa đảo sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu giá trị tài sản chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên, hoặc nếu dưới mức này nhưng hành vi gây ra hậu quả nghiêm trọng như làm thiệt hại lớn về tài chính, gây hoang mang trong cộng đồng, hoặc tái phạm nguy hiểm. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi, các đối tượng có thể bị phạt cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm, hoặc trong trường hợp đặc biệt, bị tù chung thân. Ngoài ra, họ có thể bị phạt tiền lên đến 100 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ngoài ra, nếu hành vi lừa đảo chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, các đối tượng có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, với hành vi “Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản”.
Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình, người dân cần hết sức cảnh giác khi mua vé tàu, xe, đặc biệt là qua các kênh không chính thức, không rõ nguồn gốc. Người dân nên ưu tiên mua vé từ các đơn vị vận tải chính thức, thông qua các kênh bán vé chính thức của các hãng tàu, xe, hoặc thông qua các trang web uy tín có giấy phép hoạt động rõ ràng. Trước khi chuyển tiền, khách hàng cần kiểm tra kỹ các thông tin về đơn vị bán vé, tránh vội vàng giao dịch với những đơn vị chưa được xác minh. Nếu phát hiện hành vi lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời xử lý, bảo vệ quyền lợi của mình và ngăn chặn các hành vi lừa đảo có thể ảnh hưởng đến người khác.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối
Thiên Trang