Năm 22 tuổi, cô Ayumi Saito chia tay bạn trai. Theo Saito, nguyên nhân chia tay bắt nguồn từ việc “đàn ông Nhật Bản quá nhút nhát và không giỏi tán tỉnh trong khi phụ nữ lại luôn ‘mềm lòng’ với những lời nói ngọt ngào”. Do đó, cô đã tải về game mô phỏng hẹn hò có tên “Metro PD: Close To You”.
Saito cảm thấy rất hạnh phúc vì bạn trai ảo trong game có thể làm những điều mà bạn trai trước đây của cô chưa từng làm. “Những lúc cảm thấy mệt mỏi, chỉ cần nghe lời đường mật của bạn trai ảo trước khi đi ngủ là tôi lại cảm thấy hưng phấn trở lại”, Saito tâm sự.
|
Các nhân vật nam trong trò chơi “Samurai Love Ballad: Party”. |
Game mô phỏng lãng mạn xuất hiện đầu tiên ở đất nước Nhật Bản vào thập niên 1980 của thế kỷ trước. Được biết đến là “bishoujo”, trò chơi tập trung vào các nhân vật nam theo đuổi một nhân vật nữ hoạt hình xinh đẹp.
Tuy có ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng game hẹn hò phát triển mạnh mẽ nhất là ở Nhật Bản, nơi 44,2% phụ nữ độc thân ở độ tuổi từ 18 - 34 vẫn còn trinh. Chỉ trong năm 2014, lợi nhuận của ngành sản xuất game hẹn hò đã lên đến 130 triệu USD.
Nhìn thấy trước tiềm năng của thị trường, nữ doanh nhân Nanako Higashi và chồng Yuzi Tsutani đã thành lập công ty sản xuất game Voltage vào những năm 2000. Đến nay, Voltage đã trở thành công ty sản xuất game mô phỏng lãng mạn hàng đầu thế giới, với khách hàng đa số là nữ, đặc biệt là các bạn nữ thích truyện tranh và phim hoạt hình.
“My Lover is The No.1 Host” là sản phẩm mới nhất của Voltage vừa ra mắt vào năm nay. Với 88 tiêu đề hấp dẫn, game của Voltage thu hút được 50 triệu người chơi trên toàn thế giới trong tháng 6 vừa qua, thu về 11,2 tỷ yên (102 triệu USD). Ngoài tiếng Nhật, game có phiên bản tiếng Anh dành cho nhóm khách hàng ở Mỹ và châu Âu. Bà Higashi cho biết mục đích chính của công ty là giúp phụ nữ giảm áp lực trong cuộc sống.
“Samurai Love Ballad: Party” là một trong những game nổi tiếng nhất của Voltage. Giống với một cuốn tiểu thuyết hơn là game mobile thông thường, “Samurai Love Ballad: Party” có cốt truyện và được chia thành nhiều chương. Lấy bối cảnh thời kỳ Sengoku (từ năm 1467 đến năm 1603) với nhân vật nữ chính trong trò chơi gặp được 12 chàng hiệp sĩ samurai điển trai, quả cảm trên đường chạy trốn để bảo vệ em trai.
Phó giáo sư Kukhee Choo đến từ Đại học Sophia Tokyo nói: “Điểm hấp dẫn của loại hình game này là có nhiều nhân vật nam. Hơn nữa, họ lại rất hoàn hảo. Người chơi phải lựa chọn chiến thuật để tương tác với các nhân vật và mục tiêu chính là đạt được mối quan hệ lãng mạn”.
Bà Higashi cho biết “nhân vật nam thường thấy nhất trong game là người lạnh lùng nhưng vô cùng ngọt ngào với nhân vật nữ”. Mẫu người đàn ông như vậy được gọi là tsundere, tạm hiểu là người đàn ông có hai mặt tính cách trái ngược nhau. Tuy nhiên, phụ nữ Bắc Mỹ lại thích những người đàn ông nam tính, cả về mặt thể lực lẫn tính cách. Vì vậy, Voltage luôn phải thay đổi hình tượng nhân vật trong game của mình để phù hợp với khách hàng.
Nhìn chung, có hai loại hình game lãng mạn. Loại hình thứ nhất tính phí từ 4 - 5 USD cho mỗi chương. Nếu trả tiền thêm cho phần kết, họ sẽ nhận được một món quà bất ngờ. Ngược lại, với loại hình thứ hai, người chơi phải mất tiền để tải ứng dụng về máy. Ngoài ra, họ còn phải mua phụ kiện như quần áo, đồ trang điểm ảo để khiến nhân vật nữ trở nên cuốn hút hơn.
Dù chưa có bằng chứng chứng minh game hẹn hò có liên quan đến xu thế phụ nữ “ế”, song kết quả khảo sát của chính phủ Nhật Bản năm 2015 cho thấy gần 40% người độc thân từ 20 - 30 tuổi không muốn hẹn hò. Cô gái Tokyo 26 tuổi, Yuirka là một trong số đó. Cô bắt đầu chơi game hẹn hò từ năm 20 tuổi, kể từ đó cô vẫn chưa có bạn trai. Rất nhiều phụ nữ Nhật Bản được phỏng vấn nói rằng họ vẫn thích có bạn trai ảo mặc dù biết họ không thể thay thế người thật.
Theo Phương Anh/ Tuổi Trẻ