Trợ giúp người tổn thương vận động
Nhằm giúp người bệnh bị tổn thương chức năng vận động, có thể giao tiếp bằng cử động của mắt, PGS.TS Lê Thanh Hà và cộng sự, Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN đã nghiên cứu và xây dựng thành công hệ thống hỗ trợ giao tiếp Blife.
PGS.TS Lê Thanh Hà cho biết, hiện nay ở Việt Nam chưa có các phương tiện hỗ trợ hoặc thay thế chức năng giao tiếp cho những người mất khả năng giao tiếp bằng lời nói, nhưng hiểu và diễn đạt còn tốt. Vì vậy, họ buộc phải sống trong tình trạng vô cùng khó khăn hoặc gia đình phải chấp nhận chi phí rất lớn để có được sự hỗ trợ cần thiết.
Trên thế giới cũng đã có những hệ thống hỗ trợ giao tiếp cho người bị tổn thương chức năng vận động được phát triển thành sản phẩm thương mại. Tuy nhiên, giá thành của những sản phẩm này rất cao, từ 15 nghìn USD tức khoảng 350 triệu đồng.
“Mức chi phí này là quá cao để bệnh nhân ở các nước đang phát triển như Việt Nam có thể chi trả. Ngoài ra cũng có một số phần mềm riêng rẽ nhưng rất hạn chế về chức năng tương tác và đòi hỏi người dùng phải có những hiểu biết nhất định về kỹ thuật máy tính để cài đặt và thiết lập các cấu hình thiết bị chuyên dụng, vì vậy tạo những rào cản lớn cho người sử dụng thông thường”, PGS.TS Lê Thanh Hà thông tin.
Xuất phát từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Lê Thanh Hà đã bắt tay vào nghiên cứu và xây dựng hệ thống hỗ trợ giao tiếp cho người bị tổn thương chức năng vận động với chi phí phù hợp. Đây là nhóm nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam chế tạo thiết bị kiểu như vậy.
“Là những nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi luôn mong muốn có thể dùng kiến thức chuyên môn của mình tạo ra những sản phẩm có ích cho cộng đồng”, PGS.TS Lê Thanh Hà chia sẻ.
Đối với hệ thống này, người bệnh chỉ cần dùng chuyển động của mắt để tương tác với thiết bị. Thiết bị sẽ chuyển tải thông tin tới những người xung quanh bằng cách hiện nội dung trên màn hình hoặc bằng âm thanh phát ra loa. Người bệnh cũng có thể thực hiện các tương tác khác như tìm kiếm và duyệt thông tin trên Internet, kiểm tra, soạn và gửi email, tham gia mạng xã hội,…
Đặc biệt, đối với những bệnh nhân mà mắt là kênh giao tiếp còn lại duy nhất, hệ thống thực sự có ý nghĩa. Ngoài những người bị tổn thương chức năng vận động, hệ thống cũng có thể hỗ trợ cho những người hoàn toàn khỏe mạnh nhưng ở trong tình huống không thể sử dụng cách thức thông thường như dùng chuột hay bàn phím để tương tác với máy tính.
Nhóm nghiên cứu giới thiệu sản phẩm hỗ trợ giao tiếp.
Phù hợp với nhiều loại bệnh
BLife có thể được sử dụng bởi những nhóm bệnh như tổn thương thần kinh trung ương, rối loạn ngôn ngữ vận động do đột quỵ não, đột quỵ nhồi máu vùng thân não, rối loạn ngôn ngữ vận động do tổn thương não sau chấn thương sọ não, u não, viêm não, áp xe não, bệnh Parkinson giai đoạn muộn…
Nhóm bệnh do tổn thương thần kinh ngoại vi như tổn thương nhánh vận động thanh quản dây X do phẫu thuật hoặc u, tổn thương dây IX, XII, xơ cột bên teo cơ – đây là bệnh lý tổn thương cả thần kinh trung ương và ngoại vi; … BLife cũng có thể được sử dụng bởi những người mắc một số bệnh lý đặc biệt khác như chấn thương tủy sống gây liệt, bệnh đa xơ cứng, hội chứng Rett, bệnh loạn dưỡng cơ.
“Chúng tôi đang từng bước khắc phục khó khăn để có thể đưa chiếc máy này đến với nhiều bệnh nhân tổn thương chức năng vận động ở Việt Nam. Chiếc máy này sẽ trợ giúp đắc lực người bệnh dễ dàng hơn trong việc diễn đạt nhu cầu giao tiếp cơ bản, từ đó mang lại động lực sống cho họ và gia đình”, PGS.TS Lê Thanh Hà chia sẻ.
Hiện, nhóm đã hoàn thiện 2 phiên bản của hệ thống BLife với phần cứng được lắp đặt và tối ưu cho theo các tính năng của phần mềm để giảm tối đa chi phí. Phiên bản 1 có chức năng cơ bản nhất là hỗ trợ bệnh nhân giao tiếp với người xung quanh.
Phiên bản 2 được bổ sung thêm các chức năng hỗ trợ người bệnh thực hiện các tương tác khác như tìm kiếm và duyệt thông tin trên Internet, kiểm tra, soạn, và gửi email, tham gia tương tác với mạng xã hội, …
Hệ thống này mặc dù không trực tiếp điều trị, nhưng có thể giúp người bệnh giải tỏa được tâm lý do có thể “nói” được trở lại đồng thời cũng giúp người nhà chăm sóc dễ dàng hơn. Nên, tôi đã đặt tên cho hệ thống này là “My beautiful life” – Cuộc sống tươi đẹp. PGS.TS LÊ THANH HÀ
Theo Mai Chi/Giáo dục & Thời đại