Ngày 25/1, Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Đại học Tài nguyên và Môi trường tổ chức Tọa đàm "Phế liệu nhựa nhập khẩu".
Cần giảm dần việc nhập khẩu phế liệu nhựa
Theo bà Quách Thị Xuân, Trưởng Đại diện Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương tại Việt Nam: Việc tái chế giúp nhựa được lưu thông nhiều hơn trong nền kinh tế nhưng mặt khác thì quá trình tái chế cũng tiêu tốn năng lượng và phát thải nhiều loại khí gây hiệu ứng nhà kính.
|
Tọa đàm "Phế liệu nhựa nhập khẩu" do Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Đại học Tài nguyên và Môi trường tổ chức. |
Trong những năm gần đây, Việt Nam đang đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến việc nhập khẩu rác thải nhựa. Mặc dù đã có các nỗ lực cố gắng giảm thiểu việc sử dụng nhựa và xử lý rác thải nhựa nội địa, tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ và tái chế nhựa vẫn còn lớn và ngày càng tăng cao.
Điều này đã dẫn đến việc Việt Nam trở thành một trong những điểm đến chính cho việc nhập khẩu rác thải nhựa từ các quốc gia phát triển. Sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu rác thải nhựa đã gây ra nhiều hậu quả xấu, bao gồm tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người và ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái nơi chúng được xử lý.
Một số lượng lớn rác thải nhựa nhập khẩu thường chứa các thành phần không rõ nguồn gốc và lẫn nhiều tạp chất, điều này làm gia tăng khó khăn trong việc quản lý và xử lý chúng một cách hiệu quả.
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, việc nhập khẩu phế liệu nhựa. có thể mang lại lợi ích ngắn hạn về nguyên liệu sản xuất và giảm áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng nó cũng tiềm ẩn những vấn đề lớn về môi trường, sức khỏe và an toàn thực phẩm.
Việc xử lý phế liệu nhựa nhập khẩu có thể dẫn đến các vấn đề như ô nhiễm môi trường do phế liệu nhựa có chứa các hóa chất độc hại, đồng thời tạo ra áp lực lớn đối với quá trình để có thể đảm bảo tái chế và xử lý chúng một cách an toàn và hiệu quả.
Thông thường chỉ 60% phế liệu nhựa nhập về có thể được tái chế, 40% còn lại bị thải ra ngoài môi trường, tạo nên các núi rác nhựa khổng lồ quanh làng nghề tái chế.
Theo các chuyên gia, cần có cách tiếp cận thông minh và bền vững hơn trong việc nhập khẩu, tái chế phế liệu nhựa, đồng thời tăng cường quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn đối với quá trình nhập khẩu này. Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng cần phối hợp chặt chẽ nhằm đảm bảo việc nhập khẩu phế liệu nhựa được giảm dần và thay thế bởi phế liệu nhựa trong nước.
Đây là một bước quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và chia sẻ thông tin về vấn đề tái chế phế liệu nhựa, khuyến khích hành động bền vững để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Đường đi nhức nhối của phế liệu nhựa nhập khẩu
Chia sẻ về quá trình thực hiện bộ phim tài liệu "Hướng đi của phế liệu nhựa nhập khẩu" công chiếu tại Tọa đàm, Đạo diễn, Nghệ sỹ Ưu tú Nguyễn Tài Văn cho biết, anh xây dựng kịch bản và triển khai bộ phim từ tháng 6/2023.
|
Đạo diễn, Nghệ sỹ Ưu tú Nguyễn Tài Văn chia sẻ tại Tọa đàm. |
Anh Văn dẫn ra các số liệu và cho biết, tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng nhanh. Dự báo đến năm 2030 khoảng 230.000 người mắc mới trên một năm. Người dân không hiểu nguyên nhân ô nhiễm môi trường là một trong những sát thủ thầm lặng dẫn đến tình trạng bệnh ung thư gia tăng theo cấp số nhân.
"Vì vậy mà tôi mong muốn làm nhiều chương trình để tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến những thông điệp, thông tin khoa học để người dân hiểu được mối nguy hại tiềm ẩn trong môi trường xung quanh. Để khi phát bệnh mới tìm cách chạy chữa thì đã muộn”, đạo diễn Nguyễn Tài Văn nói.
Phim được thực hiện trong hơn 2 tháng. Trong quá trình tác nghiệp, ám ảnh nhất với anh và đồng nghiệp là khi ghi hình những người nhặt rác tại bãi rác Xuân Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) hay ngôi làng tái chế nhựa lớn nhất miền Bắc ở thôn Minh Khai (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).
|
Rác thải nhựa. Hình ảnh trong phim "Hướng đi của phế liệu nhựa nhập khẩu". |
Bộ phim phản ánh "đường đi" đối với rác thải nhựa nhập khẩu vào Việt Nam. Từ những chuyến nhập khẩu phế liệu ở các nước "đổ" vào Việt Nam và len lỏi vào các công đoạn sản xuất đồ dùng tái chế cho người dân sử dụng, lại đến với những bãi rác, tiếp tục trở thành rác thải nhựa.
"Đường đi" này là một vòng tròn khép kín, gây nên nhiều hậu quả đối với môi trường, sức khỏe của con người. Qua đó, ê - kíp làm phim mong muốn ngành chức năng cần tiếp tục nghiên cứu và tuyên truyền để tiến tới ngừng nhập khẩu phế liệu nhựa.
Thông điệp của bộ phim "Hướng đi của phế liệu nhựa nhập khẩu" cũng là chủ đề được bàn luận sôi nổi tại sự kiện. Các chuyên gia đã đưa ra những quan điểm đa chiều về việc nhập khẩu phế liệu nhựa.
Mời quý độc giả xem video: Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân trao đổi về Luật Đất đai (sửa đổi). Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan