Ngôi “làng bò” kỳ lạ này nằm tại một vùng núi hẻo lánh ở Ethiopia (Châu Phi), rất xa trung tâm nên ít người biết về sự tồn tại của hiện tượng này. Một ngày, du khách tham quan đã phát hiện cách đi đứng khác thường của người sinh sống ở đây. Họ di chuyển bằng cả hai tay và hai chân trên mặt đất, chứ không phải đi thẳng lưng như người bình thường.
Ban đầu, du khách cho rằng họ làm vậy là để thu hút sự chú ý của người ngoài. Tuy nhiên sau thời gian dài quan sát, du khách mới nhận ra những người ở đây đều di chuyển như thế, kể cả trẻ con.
Do phải bò thường xuyên trên mặt đất nên cơ thể của người dân sống tại đây không giống như người bình thường. Xương lưng và eo của họ đã bị biến dạng, hông cũng rộng hơn.
Bàn tay của họ cũng to hơn bình thường và sần sùi, thô ráp do thường xuyên bò mà không đeo các thiết bị bảo hộ như găng tay. Mặc dù bò như vậy nhưng tốc độ di chuyển của họ không hề chậm hơn so với người bình thường.
Ngoài sự khác biệt về tư thế đi, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra tuổi thọ của người dân ở “làng bò” ngắn hơn người bình thường. Người có thể lực tốt sẽ có tuổi thọ ngắn hơn người đi lại bình thường khoảng 10 năm, người có thể lực kém thì tuổi thọ chỉ bằng một nửa tuổi thọ của người đi lại bình thường.
Một số người cho rằng, hiện tượng bò ở nơi đây là hệ quả của hôn nhân cận huyết. Do ngôi làng nằm ở vị trí hẻo lánh, người ngoài không ai muốn gả vào đây và người trong làng cũng không sẵn lòng gả cho người ngoài, nên người dân ở “làng bò” chỉ có thể kết hôn với nhau mà không biết việc này có hậu quả nghiêm trọng như thế nào. Do đó, rất nhiều đứa trẻ sinh ra ở đây bị dị tật bẩm sinh, mất khả năng nhận thức và đi lại.
Ngoài ra, một số chuyên gia nhận thấy kiểu đi lại của người dân ở “làng bò” rất giống triệu chứng lâm sàng của bệnh “mất điều hòa tiểu não”. Căn bệnh này khiến con người không có khả năng duy trì sự cân bằng của cơ thể do bị rối loạn tiểu não trong thời gian dài, nhưng căn bệnh này lại không thể giải thích rõ những thay đổi ở hông của họ.
Liệu người dân ở đây đã bò như vậy từ khi mới sinh ra? Các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu riêng về vấn đề này. Xét cho cùng, khả năng cao nhất vẫn là do đột biến gen vì hôn nhân cận huyết, nhưng vẫn có một tỷ lệ nhỏ trẻ sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh.
Thế nhưng, nhóm trẻ khỏe mạnh này lại chưa từng nhìn thấy cách đi lại của người bình thường do ngôi làng nằm ở vùng xa xôi, hẻo lánh, giao thông kém phát triển nên tách biệt với thế giới bên ngoài từ lâu. Chúng chỉ có thể học theo bố mẹ, bò dưới đất để di chuyển và lâu dần tạo thành thói quen. Tuy nhiên, sự thật thế nào thì vẫn chưa có công bố chính xác.
Theo Châu Doanh/ Saostar