Trong cuộc sống hiện đại, điện thoại thông minh đã trở thành vật dụng phổ biến mọi lúc mọi nơi. Khi làm việc, khi đi chơi, khi giao tiếp, khi ăn uống, khi vệ sinh cá nhân… bất kỳ lúc nào con người cũng có thể dùng điện thoại. Vào dịp Tết, thời gian nghỉ ngơi nhiều, thời lượng sử dụng điện thoại chắc chắn còn tăng mạnh.
Có thể bạn sẽ suy nghĩ lại về thói quen dùng điện thoại nếu biết rằng chúng có thể gây ra những căn bệnh nguy hiểm.
|
Các bước sóng RF là nguyên nhân chính gây ung thư não, mất trí nhớ. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Mới đây, Cơ quan Y tế và Nhân sinh bang California đã đưa ra nhiều nghiên cứu về việc sóng điện thoại có mức độ ảnh hưởng xấu đến thế nào đối với con người, một vấn đề đã được đưa ra tranh cãi nhiều lần. Cụ thể, các bước sóng RF từ điện thoại di động mà cụ thể là smartphone là tác nhân gây nên bệnh ung thư não, đau đầu, chứng mất trí nhớ và kể cả mất ngủ.
Ít ai biết rằng, sóng bức xạ điện từ của điện thoại hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến thủy tinh thể nhãn cầu, đặc biệt lúc nghe điện thoại. Tinh thể nhãn cầu bị tổn hại sẽ dẫn đến việc phá vỡ chức năng tiếp nhận thông tin của tế bào, gây tổn hại cho mắt. Về lâu dài, người bệnh có thể bị mù lòa, mất chức năng thị giác.
Trong một hội nghị do Hiệp hội tai mũi họng Mỹ tổ chức hàng năm có đưa ra báo cáo: Một người nếu đưa smartphone áp vào tai để nghe 1 tiếng mỗi ngày có khả năng khiến tai bị tổn thương. Tổn thương thính lực trong trường hợp này là không thể phục hồi và tai sẽ bị điếc hoàn toàn khi đến 40, 50 tuổi.
Bên cạnh đó, sự ra đời của các thiết bị điện tử tích hợp công nghệ cảm biến như smartphone và máy tính bảng làm cho lớp da, chủ yếu ở đầu ngón tay bị ảnh hưởng nặng nề.
Không những thế, sự gia tăng đột biến của việc sử dụng ngón tay trong công việc như gõ bàn phím máy tính hay sử dụng smartphone cũng như môi trường sử dụng đồ chơi công nghệ cao vốn không mấy sạch sẽ chính là nguồn cơn căn bệnh "nhám da đầu ngón tay" ngày một gia tăng.
Theo bà Yuko Nomura, viện trưởng Viện da liễu Nomura, Nhật Bản, ngoài các bệnh về da liễu ở tay, lạm dụng smartphone trong một khoảng thời gian dài dẫn tới tình trạng chuột rút các ngón tay cũng như ảnh hưởng tới móng tay và cổ tay. Nguyên nhân là do smartphone không có các nút bấm vật lý, lực tác động của người sử dụng vào thiết bị không bị triệt tiêu bớt mà sẽ phản lại, vô tình tạo áp lực lên cả bàn tay của người dùng.
Tiến sĩ Karen Smith, Giám đốc Cơ quan Y tế và Nhân sinh bang California cho hay, người dùng nên hạn chế tiếp xúc quá gần và quá lâu với smartphone của mình, tốt nhất là để chúng vào vali, túi xách. Hơn nữa, khi cần gọi điện thoại hoặc nhắn tin, người dùng nên sử dụng tai nghe hơn là để thiết bị quá gần phần đầu hay phần mặt.
Người dùng smartphone cũng không nên sử dụng thiết bị khi chúng đang trong trạng thái bộc phát ra các trường sóng radio cao tầng. Chẳng hạn, bước sóng RF phát tán ra ngoài cao nhất khi người dùng sử dụng Bluetooth, phát sóng Wi-Fi hay gửi/nhận những file có kích thước lớn.
Theo Kiều Trang/ĐSPL