Mặt trăng của chúng ta đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự sống trên Trái Đất, kiểm soát thủy triều ở các đại dương và chu kỳ sinh học của các dạng sống trên hành tinh. Mặt trăng cũng duy trì sự ổn định vòng quay của Trái Đất và khí hậu, hai nhân tố vốn đóng vai trò then chốt cho sự sống tồn tại trên hành tinh này.
|
Ảnh minh họa: Getty |
Trong một bài báo công bố trên tạp chí Nature, một nhóm các nhà nghiên cứu, dẫn đầu là Miki Nakajima, giáo sư về khoa học trái đất và môi trường thuộc Đại học Rochester cho rằng, kích cỡ và cấu tạo của hành tinh là chìa khóa để hiểu về sự hình thành của các mặt trăng.
"Bằng cách hiểu về sự hình thành của mặt trăng, chúng tôi có một giới hạn cụ thể hơn để biết mình cần chú ý vào điều gì nhằm tìm kiếm những hành tinh giống Trái Đất", nhà kho học học này cho hay.
Đội ngũ nghiên cứu trên cũng nhận định, khi các hành tinh đá có khối lượng gấp 6 lần Trái Đất và hành tinh băng có khối lượng bằng với Trái Đất va chạm với nhau sẽ tạo ra các đĩa vật chất bốc hơi hoàn toàn, dẫn đến các mặt trăng không thể hình thành.
Mặt trăng của chúng ta có thể đã được hình thành khi Trái Đất va chạm với một hành tinh có kích cỡ bằng sao Hỏa cách đây khoảng 4,5 tỷ năm. Đĩa vật chất bay hơi một phần được tạo ra từ vụ va chạm trên cuối cùng đã hình thành nên mặt trăng mà chúng ta thấy ngày nay.
"Chúng tôi phát hiện ra rằng nếu hành tinh quá lớn, những va chạm này sẽ sinh ra những đĩa bay hơi hoàn toàn bởi va chạm giữa các hành tinh lớn thường tạo ra nhiều năng lượng hơn so với các hành tinh nhỏ", giáo sư Nakajima cho hay.
Các ngoại mặt trăng quay quanh các hành tinh nằm ngoài hệ mặt trời "có thể ở mọi nơi", nhưng cho tới nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định được bất kỳ ngoại mặt trăng nào./.
Theo Kiều Anh/VOV