Nghiên cứu cho thấy quạ có thể biết đếm tiếng kêu của mình

Google News

Một báo cáo khoa học mới được công bố cho thấy, ngoài con người, quạ là loài động vật đầu tiên có thể tạo ra đúng số tiếng kêu theo mệnh lệnh.

Báo cáo khoa học được đăng tải trên tạp chí Science tiết lộ rằng quạ có thể tự đếm số tiếng kêu của mình, cho thấy kỹ năng tự theo dõi số đếm mới chỉ có trên người.

Nghiên cứu về kỹ năng hiểu số của động vật có thể giúp giới khóa học tìm hiểu về lịch sử hình thành kỹ năng suy luận và đếm số của con người. Đó là nhận định của Giorgio Vallortigara, một nhà khoa học thần kinh công tác tại Đại học Trento, Rovereto, Ý. Theo ghi chép của ông, khả năng lên tiếng theo hiệu lệnh của những con quạ trong thí nghiệm “là một thành tựu đáng nể’.

Andreas Nieder, một nhà sinh lý học động vật tới từ Đức và cũng là đồng tác giả nghiên cứu, bất ngờ khi thấy khả năng nhận thức của quạ linh hoạt tới vậy. “Chúng nổi tiếng về trí tuệ và sự thông minh, và chúng lại một lần nữa chứng minh điều đó”, Nieder nói.

Nghien cuu cho thay qua co the biet dem tieng keu cua minh

Một con quạ Corvus corone - Ảnh: Featherbase.

Nhóm nghiên cứu đã làm việc với 3 cá thể quạ Corvus corone, dạy chúng kêu theo hiệu lệnh. Các con quạ sẽ kêu đúng số lần theo hướng dẫn của các nhà khoa học, rồi gõ vào nút “Enter” hiển thị trên màn hình để ra hiệu rằng chúng đã hoàn thành tác vụ được giao. Nếu quạ kêu đúng số lần được chỉ định, thiết bị cho ăn tự động sẽ thưởng cho quạ hạt và sâu.

Kết quả cho thấy quạ đúng hầu hết số lần được thử, và nhà nghiên cứu Nieder nhận định kết quả “không phải tình cờ và là một kết quả đáng ghi nhận”. Nhóm nghiên cứu đồng thời nhận thấy họ có thể dự đoán số lần kêu của quạ dựa trên kết quả của lần kêu đầu tiên, rất có thể quạ đã có sẵn dự định kêu mấy tiếng.

Nhà nghiên cứu Nieder kết luận: “Điều này cho thấy đây là một quá trình nhận thức có kiểm soát”.

Nhưng dù thông minh cỡ nào, quạ vẫn mắc sai lầm. Dựa trên kết quả, nhóm tác giả kết luận rằng quạ thường kêu đúng trong những lần đầu tiên, nhưng có vẻ quên mất mình đang làm gì khi bài thử tiếp diễn. “Khi phân tích từng tiếng gọi trong một chuỗi, chúng tôi có thể dự đoán khi nào những con quạ ngập ngừng - kêu nhiều hơn dự kiến, hay kêu ít hơn số tiếng theo chỉ dẫn”, nhà nghiên cứu Nieder cho hay.

Hành động của quả trong nghiên cứu này không được coi là một hành vi đếm giống con người, vốn cần tới khả năng hiểu những ký hiệu biểu thị cho các con số. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng khả năng đếm sơ khai của quạ là tiền đề cho khả năng nhận thức số trên người.

Nhà khoa học Vallortigara nhận định những nghiên cứu dạng này sẽ giúp chúng ta hiểu về cơ chế chung của khả năng hiểu số đếm, từ đó suy luận ra cách chính con người hiểu được số nói riêng và toán nói chung. Cũng thông qua những nghiên cứu như vậy, giới y học có thể hiểu thêm về những chứng bệnh liên quan tới số, ví dụ như chứng khó học toán.

 

Theo Kim/Người Đưa tin