Trong một tập gần đây của “Lex Fridman Podcast” được tổ chức bởi nhà khoa học máy tính Lex Fridman của MIT, người sáng lập và Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg đã nói rằng khi công nghệ hiện đại tiếp tục phát triển, các công việc tập trung vào công nghệ sẽ ngày càng thống trị thế giới - không nhất thiết là các loại "Công việc công nghệ" mà người ta có thể trải nghiệm ngày nay.
“Một phần của những gì tôi nghĩ sẽ rất tuyệt vời về nền kinh tế sáng tạo và metaverse... đó là trong tương lai, nhiều người sẽ bắt tay vào làm những thứ sáng tạo hơn những dịch vụ hay lao động truyền thống hiện nay”, Zuckerberg nói.
Dự đoán của vị tỷ phú bắt nguồn từ kinh nghiệm cá nhân: Khi ông ấy ra mắt Facebook lần đầu tiên vào năm 2004, việc viết mã “đã giúp xây dựng một thứ gì đó thực dụng", Zuckerberg chia sẻ. Còn giờ đây, anh chứng kiến con gái mình “viết code nghệ thuật”, lập trình để tạo ra những thứ nghệ thuật, trực quan.
Zuckerberg cho biết không phải là mọi công việc trong tương lai sẽ liên quan đến nghệ thuật kỹ thuật số. Thay vào đó, việc tự động hóa một số hệ thống cơ bản - chẳng hạn cho phép trẻ em dễ dàng tạo ra tác phẩm nghệ thuật thông qua mã hóa - sẽ cho phép mọi người dành nhiều thời gian hơn cho các nhiệm vụ như tạo sản phẩm mới và làm cho các quy trình cũ hiệu quả hơn.
Bản thân khái niệm này không hẳn là mới. Trong nhiều năm, các chuyên gia công nghệ đã dự đoán rằng trí tuệ nhân tạo cuối cùng sẽ có thể thay thế con người trong các nhiệm vụ tương đối đơn giản, như biên dịch bảng tính hoặc viết mã cơ bản.
Với ít thời gian dành cho các nhiệm vụ như thu thập và tổ chức dữ liệu, về mặt lý thuyết, mọi người sẽ có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc phân tích và động não - vốn đòi hỏi một kiểu tư duy phản biện, sáng tạo mà trí tuệ nhân tạo không thể thay thế.
Sự thay đổi đó có thể đã xảy ra: Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy việc đưa robot vào cuộc sống hàng ngày tại các trạm thu phí, bệnh viện và nhà ăn trên khắp nước Mỹ. Vào tháng 10/2020, Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự đoán rằng các công việc nhập dữ liệu, thư ký, kế toán, công nhân lắp ráp ở nhà máy và thợ cơ khí có thể bị máy móc thay thế vào năm 2025.
Tổng cộng, theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, 85 triệu việc làm có thể bị loại bỏ trong vòng vài năm tới. Nhưng con số đó có thể vượt xa con số ước tính của báo cáo là 97 triệu công việc mới được tạo ra bởi công nghệ mới nổi.
Những công việc đó chủ yếu sẽ thuộc các lĩnh vực như tiếp thị kỹ thuật số, phát triển kinh doanh và phân tích dữ liệu - những công việc có xu hướng đòi hỏi kỹ năng tư duy sáng tạo và phản biện, báo cáo lưu ý.
Theo Huy Nguyễn/Danviet