Nghe bộ trang sức ngàn năm tuổi trong mộ táng kể chuyện

Google News

Bộ trang sức gồm 4 khuyên tai, 104 hạt chuỗi vàng, cùng 2 hiện vật mã não được tìm thấy trong khu mộ táng Lai Nghi (phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) đang được cất giữ nghiêm ngặt.

Hiện vật kể chuyện ngàn năm
Phải mất tới 3 năm (từ năm 2002 – 2004), đoàn khảo cổ mới hoàn thành công việc tại hiện trường, nhưng "kho báu" thu được ở khu mộ táng Lai Nghi khiến cả đoàn vỡ òa niềm vui. TS Lâm Thị Mỹ Dung (Đại học KHXH & Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội) người trực tiếp tham gia trong đoàn cho hay, rất nhiều hiện vật quý được tìm thấy trong quá trình khảo cổ khu mộ táng Lai Nghi, trong đó có bộ trang sức và mã não quý hiếm hiện đang được đưa vào hồ sơ để công nhận Bảo vật Quốc gia. Đây là những hiện vật gốc, được phát hiện trực tiếp tại khu mộ táng Lai Nghi qua khai quật khảo cổ, có tầng lớp văn hóa nguyên vẹn và đã được phân tích niên đại bằng nhiều phương pháp.
Khu mộ táng Lai Nghi nằm trong lưu vực sông Thu Bồn, cách Hội An 5km và liền kề với khu vực dày đặc các di tích văn hóa Sa Huỳnh ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Di tích nằm giữa thôn, thuộc khu vườn rộng 500m2 của một hộ dân. Tổng diện tích khai quật 199,3m2 ở Lai Nghi có 10.423 tiêu bản được phát hiện.
Đoàn khảo cổ đã tìm được rất nhiều đồ thủy táng trang sức giàu nhất từ trước đến nay. Giới chuyên môn nhận định, chưa có khu mộ nào phát hiện những hiện vật chôn theo người chết mà thể hiện được địa vị, thân thế xã hội, phân tầng về của cải đối với xã hội có tính phức hợp cao như vậy.
Các hiện vật sau khi được khai quật sau đó được lưu trữ tại kho của Bảo tàng tỉnh Quảng Nam. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất công nhận là Bảo vật Quốc gia đối với bộ trang sức vàng và mã não có niên đại từ thế kỷ III trước Công nguyên đến giữa thế kỷ I trước Công nguyên.
Nghe bo trang suc ngan nam tuoi trong mo tang ke chuyen
Hình ảnh hiện vật tại hố khai quật
Bộ trang sức vàng gồm 4 khuyên tai và 104 chuỗi hạt bằng vàng. Khuyên tai tiết diện tròn, được làm bằng vàng, toàn thân có ren xoắn, có khe hở ở thân. 104 hạt chuỗi vàng có hình dáng như hai hình nón cụt úp vào nhau, chính giữa thân nối thành đường gờ, hai đầu phẳng và có lỗ xuyên dọc thân. Tuy kích thước nhỏ nhưng hình dáng của con vật được thể hiện khá chi tiết, chạm khắc tỉ mỉ, sống động.
Dựa trên hình dạng, thành phần và kỹ thuật, giới chuyên môn cho rằng trong 4 hiện vật bằng vàng trên thì có 3 hiện vật nhập khẩu chính thức, còn một khuyên tai còn lại là mẫu vàng từ sa khoáng của địa phương và do người địa phương làm. Điều này cũg chứng tỏ có sự chuyển giao về mặt công nghệ kỹ thuật chứ không chỉ là nhập khẩu hàng hóa.
Hai hiện vật mã não tạo tác hình động vật, gồm hạt chuỗi hình con chim nước và hình con hổ cũng gây chú ý bởi là tiêu bản duy nhất được phát hiện trong văn hóa Sa Huỳnh ở Việt Nam. Hạt chuỗi khắc hình con chim nước có độ dài 15cm, cao 0.75cm, dày thân phần đầu cánh 0.6 cm, dài mỏ 0.8 cm, đường kính lỗ 0.15cm. Hiện vật tạo tác hình con chim với đặc điểm của loài chim nước, có thể là chim xít (có tên khoa học là Porthyrio Linnaeus). Trên mặt và thân một số trống đồng cổ ở Việt Nam, người xưa đã thể hiện hình chim xít bên cạnh các loài hươu, cóc, cỏ, vạc, bồ nông.
Hạt chuỗi hình con hổ cũng được chạm khắc tỉ mỉ, sống động. Hạt chuỗi khắc hình con hổ có độ dài 1.4cm, cao 1.1cm, dày 0.7cm, đường kính lỗ 0.1cm. Đặc biệt, hai hiện vật mã não hình động vật trên được phát hiện trong một địa tầng văn hóa nguyên vẹn tại khu mộ táng Lai Nghi.
Theo chuyên gia khảo cổ, những chuỗi hạt bằng vàng hay hiện vật mã não cũng có thể thấy trong các bảo tàng tư nhân, nhưng giá trị đặc biệt quan trọng ở chỗ, hiện vật quý được tìm trong bối cảnh khảo cổ học cụ thể, chắc chắn, vì thế chứa đựng những thông tin về mặt niên đại, phản ảnh mối quan hệ trong xã hội.
TS Lâm Thị Mỹ Dung nhận định, hiện vật mã não hình chú chim và con hổ đặt trong các bối cảnh khảo cổ học thì ở Đông Nam Á không nhiều, chứng tỏ vị thế địa vị của người được chôn trong bộ chum đấy có một vị trí cao. Hơn thế, đây là những hiện vật được nhập nguyên chiếc (khả năng nhập từ Ấn Độ). Cho thấy lúc bấy giờ đã có mối quan hệ giao lưu của cư dân sinh sống ở khu vực Lai Nghi này, khẳng định vị trí của vùng Hội An rất quan trọng từ trước đến nay trong kết nối giao thương với bên ngoài.
Theo Sở VHTT & DL tỉnh Quảng Nam, từ những năm sau 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam và quốc tế phối hợp với bảo tàng Quảng Nam đã đưa lên từ trong lòng đất những kho tàng khảo cổ có liên quan đến nền văn hóa Sa Huỳnh. Sau gần 50 năm, đã phát hiện được trên 100 địa điểm có di tích văn hóa Sa Huỳnh, phân bố ở lưu vực sông Thu Bồn, sông Vu Gia, sông Trường Giang và cả những cồn cát ven biển, đảo. Trong số hàng loạt các di chỉ mộ táng Sa Huỳnh cũng đã được phát hiện và khai quật tại những vùng hạ lưu sông Thu Bồn gần Hội An như Lai Nghi, Hậu Xá 1, Hậu Xá 2, An Bàng, Trảng Sỏi,….Qua hàng ngàn hiện vật trong các tầng văn hóa khai quật được, các nhà khảo cổ đã “kể” lại chuyện về không gian cư trú của người Sa Huỳnh cổ, từ đó phác họa lại được một cách khái quát giai đoạn sơ kỳ kim khí ở Quảng Nam.
Nghe bo trang suc ngan nam tuoi trong mo tang ke chuyen-Hinh-2
Hình ảnh một số trang sức được tìm thấy tại khu mộ táng Lai Nghi
Mong người dân có thể ngắm bảo vật
Ông Trần Văn Đức - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Quảng Nam cho biết, các hiện vật hiện đang được bảo quản đặc biệt tại bảo tàng. Đây là các hiện vật gốc, độc bản vì được phát hiện trực tiếp tại khu mộ táng Lai Nghi qua khai quật khảo cổ, có tầng văn hóa nguyên vẹn và đã được phân tích niên đại bằng nhiều phương pháp.
"Với xuất xứ là hiện vật được tìm thấy trong quá trình khai quật khảo cổ, tại vị trí ban đầu, ngay trong tầng văn hóa khiến cho các hiện vật này chứa đựng những thông tin khoa học quan trọng, có giá trị lớn đối với công tác nghiên cứu và nhận thức các vấn đề văn hóa - lịch sử liên quan đến di tích Lai Nghi và văn hóa Sa Huỳnh. Đây là hiện vật quý hiếm trong văn hóa Sa Huỳnh nói riêng và các nền văn minh cổ đại trên thế giới nói chung. Do đó UBND tỉnh Quảng Nam đã lập hồ sơ, đề xuất công nhận là Bảo vật Quốc gia", ông Đức thông tin.
Theo ông Đức, bộ trang sức với chất liệu quý hiếm, lại mang nhiều giá trị lịch sử, khoa học như vậy nên ai cũng mong muốn được ngắm nhìn. Một tín hiệu vui là mới đây Bộ VHTT&DL có chủ trương đề nghị các bảo tàng các tỉnh nghiên cứu đề xuất hướng để Bộ hỗ trợ tăng cường công tác bảo quản và trưng bày, giải pháp để đưa hiện vật ra trưng bày để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Theo Hoài Văn / Tiền Phong