Theo Sci-News, đó là hai ngoại hành tinh từng bị lầm tưởng là siêu Trái Đất, mang tên Kepler-138c và Kepler-138d, quay quanh ngôi sao lùn đỏ loại M Kepler-138 thuộc chòm sao Thiên Cầm.
Hai thế giới cách chúng ta 218 năm ánh sáng này được phát hiện lần đầu bởi Kính viễn vọng không gian Spitzer đã ngừng hoạt động của NASA, sau đó quan sát rõ hơn bởi Kính viễn vọng không gian Hubble của NASA và ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu).
Ngôi sao mẹ Kepler-138 và ba hành tinh thú vi của nó - Ảnh: SETI
"Trước đây chúng tôi nghĩ các hành tinh lớn hơn Trái Đất một chút này là những quả cầu kim loại và đá lớn, giống như các phiên bản phóng to của Trái Đất" - Giáo sư Björn Benneke từ Trường Đại học Montreal (Canada) cho biết.
Tuy nhiên trong nghiên cứu mới, vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy, các nhà khoa học chứng minh chúng phải là loại hành tinh giả thuyết mà giới thiên văn khắp thế giới mong muốn tìm kiếm bấy lâu: Hành tinh đại dương.
"Đây là lần đầu tiên chúng ta quan sát các hành tinh có thể được chắc chắn là thế giới nước" - giáo sư Benneke khẳng định.
Trước đây, một số hành tinh đã bị nghi ngờ là hành tinh đại dương, nhưng các bằng chứng thường gián tiếp và chưa rõ ràng.
Nhưng hai hành tinh nói trên cho thấy rõ khả năng đó. Chúng có thể tích lớn gấp 4 lần Trái Đất nhưng mật độ thấp hơn nhiều, cho thấy một kết cấu không hiện diện trong hệ Mặt Trời: Lõi đá, lớp trên hoàn toàn là nước, được bao phủ bởi một bầu khí quyển đặc, nhiều hơi nước.
Kết cấu mà các nhà khoa học tin rằng hành tinh đại dương Kepler-138d sẽ sở hữu - Ảnh: Benoit Gougeon, Université de Montréal
Với khoảng cách của 2 hành tinh này với sao mẹ, các nhà thiên văn cho rằng rất có thể nhiệt độ trong bầu khí quyển của chúng cao hơn cả nhiệt độ sôi của nước, nhờ đó đủ dày đặc để bảo vệ lớp nước trên bề mặt tồn tại ở trạng thái lỏng dưới áp suất cao.
Trong quá trình nghiên cứu hai hành tinh đại dương, họ còn tình cờ phát hiện dấu vết một thế giới các quay quanh ngôi sao ở khoảng cách xa hơn, mất 38 ngày để hình thành một quỹ đạo. Các tính toán cho thấy nó phải là một hành tinh ôn đới, dễ sống như Trái Đất. Tuy nhiên vì nó không đi ngang mặt sao mẹ nên khó quan sát rõ hơn.
Vì những lý do trên, các nhà khoa học khẳng định sẽ chờ đợi những công cụ quan sát tốt hơn và tiếp tục nghiên cứu về cả ba thế giới đầy thú vị quay quanh Kepler-138.
Theo Anh Thư/Người Lao Động