"Năm mới 5 không làm, 2 không ăn" để tránh xui xẻo

Google News

Để tránh xui xẻo, chiêu tài hút lộc, cả năm ăn nên làm ra, gia đình an khang, thịnh vượng, người xưa dặn: "Năm mới 5 không làm, 2 không ăn".

5 không làm vào ngày đầu năm mới
Không nói lời xui xẻo
Ngày mùng 1 tháng Giêng là ngày đầu tiên của năm mới. Đó là ngày chia tay cái cũ và chào đón cái mới, ngày quan trọng nhất trong năm. Mọi người sẽ chú trọng sự may mắn và hòa thuận.
Theo quan niệm của người xưa, những phát ngôn đầu năm có thể ảnh hưởng đến những việc sẽ xảy ra trong năm mới. Vì vậy, mỗi lời nói vào những ngày tết đều phải rất thận trọng, tránh nói những điều xui xẻo, nói tục dù chỉ là đùa vui. Mọi người không nên nói những lời không may mắn như chết, vỡ, hỏng, mệt, buồn, chán… Ngay cả khi một đứa trẻ vô tình nói sai, thì người lớn cũng sẽ có lời nói để xí xóa đi.
Đặc biệt, các gia đình, cặp đôi không nên cãi nhau vào mùng 1. Tết là dịp sum vầy gia đình, bạn bè. Do đó không nên để những xích mích, hiểu lầm không đáng có ảnh hưởng đến ngày vui. Cãi nhau trong ngày đầu năm mới, đặc biệt là mùng 1 có thể khiến cả năm gặp chuyện không may mắn, buồn bã.
Ảnh minh họa
Không chạm vào kim, kéo
Ở nhiều vùng, cây kim và kéo là 2 vật được cất đi vào ngày đầu tiên của năm mới. Đây là những vật sắc nhọn dễ gây tổn thương cho trẻ em.
Ngoài ra, nếu sử dụng kim để khâu vá trong ngày đầu năm mới thì người đó sẽ phải "mặc áo rách cả năm", ngụ ý về sự nghèo khó, thiếu thốn. Vì vậy, người xưa dặn khâu vá quần áo là điều kiêng kỵ đầu năm để tránh một năm đói nghèo, thiếu thốn.
Vay mượn đầu năm
Một trong những điều kiêng kỵ đầu năm đa số mọi người đều tránh đó là vay tiền, đòi nợ. Theo quan niệm xưa, việc vay tiền đầu năm sẽ khiến cả năm đấy làm ăn thất bát, túng thiếu và luôn trong tình trạng nợ nần. Còn nếu cho người khác mượn tiền sẽ làm cho tiền bạc bị phát tán, mất lộc, “dâng" vận may, tiền tài của mình cho người khác, làm ăn không phát đạt.
Đôi khi chỉ vì cho vay tiền, mình không chỉ mất tiền mà còn mất cả bạn bè, anh em, người cho vay bỗng trở thành "con nợ" khi phải đi nài nỉ, cầu xin người khác trả tiền mình.
Không đánh vỡ
Từ xưa ông cha ta đã quan niệm rằng việc đổ vỡ đồ dùng trong nhà như: gương, ấm chén, bát đĩa,...là một trong những điều kiêng kỵ đầu năm mà ai cũng nên tránh. Đây là điềm báo cho sự chia ly trong mối quan hệ nào đó, những điều không tốt lành sẽ xảy đến và các mối quan hệ trong gia đình đang diễn ra phức tạp sẽ có nguy cơ đổ vỡ, tiền tài mất mát.
Chính vì vậy, vào những ngày đầu năm mới, mọi gia đình đều kiêng kỵ làm vỡ vật dụng trong nhà với mong muốn mọi việc hanh thông, may mắn, vạn sự như ý trong năm mới.
Không bỏ thừa thức ăn
Một trong những điều kiêng kỵ ngày tết mà ai cũng cần tránh đó là tránh ăn nhè, bỏ thừa thức ăn vì điều này sẽ khiến cho cả năm bị đói khát, mất mùa, tài chính eo hẹp... Ngoài ra, đầu năm nhiều gia đình cũng nên tránh chống đũa vào bát để công việc không bị chậm trễ, làm ăn thua lỗ trong kinh doanh.
Tuy nhiên, trong không khí hân hoan sum vầy ngày đầu năm không thể tránh được những lời mời ăn uống, tiệc tùng. Vì thế, việc bỏ thừa thức ăn đôi khi khó có thể kiểm soát. Và để chữa lại việc này, theo người xưa, ở các bữa ăn lần sau, mọi người thường ăn cam, dưa, xoài,..những loại quả có vị ngọt, màu đỏ hồng để mang lại sự may mắn và thành công.
2 không ăn trong ngày đầu tiên của năm mới
Không ăn đồ "xui xẻo"
Món ăn kiêng kỵ mùng 1 Tết tùy vào từng vùng miền sẽ khác nhau. Tuy nhiên, theo quan niệm của nhiều người, trong năm mới nên kiêng ăn món mực, ăn thịt chó. Trong khi đó, một số người lại kiêng ăn thịt vịt, cá mè, tôm, mắm tôm, chuối, sầu riêng...
Họ cho rằng ăn các loại thịt này sẽ đen đủi cả năm. Ví dụ như thịt chó chuyên dùng để "giải đen" vào cuối tháng, nếu ăn đầu tháng sẽ xui xẻo; vịt đi lạch bạch nên nếu ăn vào đầu năm thì cả năm chậm chạp. Hay cũng có quan niệm nếu ăn tôm vào mùng 1 Tết sẽ khiến cho cả năm thụt lùi, công danh, sự nghiệp hay tiền bạc, vật chất cũng bị trì trệ, khó lòng suôn sẻ.
Không ăn cháo trắng
Ngày đầu năm mới, ai cũng mong được phú quý nên cần ăn những món ngon để cầu may mắn, vạn sự như ý. Trong khi đó, theo dân gian, độ loãng của cháo có nghĩa là "mỏng", "bớt", thậm chí là nghèo nàn, tồi tàn.
Thay vào đó, những món ăn được cho là đem lại may mắn cho năm mới có thể kể đến xôi gấc có màu đỏ với ý nghĩa mang lại những điều tốt đẹp, canh khổ qua mang ý nghĩa mong những điều khổ đau, bất hạnh sẽ qua đi, thịt gà luộc với mong muốn một khởi đầu thuận lợi, vạn phúc đong đầy.
Theo Mẫn Nhi/giadinhonline.vn