Được biết, vào sáng ngày 29/11 theo giờ địa phương, tại trụ sở của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ở Geneva, Thụy Sĩ, nhóm sáng chế gồm 3 bạn trẻ Việt Nam đã được trao tặng danh hiệu Đại sứ giới trẻ Sở hữu trí tuệ của WIPO, với công trình sáng tạo "mũ chống dịch Vihelm".
Đây là thiết bị bảo vệ đường hô hấp có nhiều tính năng, trong đó đáng chú ý là khả năng ngăn ngừa lây nhiễm virus, cũng tạo được sự tiện nghi và thoải mái để tăng cường năng suất lao động cho người dùng trong bối cảnh COVID-19.
|
Vinh dự này đã trao cho ba thành viên của nhóm phát triển "mũ cách ly di động" Vihelm gồm các bạn Đỗ Trọng Minh Đức, Trần Nguyễn Khánh An và Nguyễn Hoàng Phúc. Ảnh: @Google. |
Mũ Vihelm được mô tả như một chiếc "mũ cách ly chống dịch" di động. Đây là món phụ kiện bảo hộ đơn giản, dễ sử dụng, mang lại sự thoải mái, cũng như đảm bảo an toàn nhờ bơm không khí liên tục qua một màng lọc virus, khiến virus không thể lây xuyên qua mũ khi đội.
Sản phẩm được ba em học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, gồm em Đỗ Trọng Minh Đức (sinh năm 2003, Trường Montverde Academy - Mỹ), em Trần Nguyễn Khánh An (sinh năm 2006, Trường Dewey Schools, Hà Nội) và em Nguyễn Hoàng Phúc (sinh năm 2007, Trường quốc tế Pháp Lfay Hà Nội) giới thiệu lần đầu vào năm 2020, tại Chung kết cuộc thi sáng tạo quốc tế ICAN.
Câu chuyện khởi đầu về mũ Vihelm được khởi lên từ hơn một năm trước, khi Đỗ Trọng Minh Đức đang du học phải tạm trở về nước vì dịch COVID-19 bùng lên dữ dội tại Mỹ. Hạnh phúc khi được về nhà tránh dịch, nhưng dịch bệnh COVID-19 và sự tàn phá của nó vẫn là điều làm Đức suy nghĩ. Bởi vậy, khi người thầy khoa học từ nhỏ của Đức là nhà sáng chế Nguyễn Đình Nam "ra bài tập" về ý tưởng chống dịch, Đức và hai bạn Trần Nguyễn Khánh An, Nguyễn Hoàng Phúc đã cùng bắt tay phát triển mũ Vihelm mà sau này cả nhóm vẫn thường gọi nó là "mũ cách ly di động".
Được sự đồng ý của WIPO, tại buổi trao danh hiệu đại sứ của WIPO, ba thành viên của Vihelm đã được dành 10 phút để chia sẻ về tầm nhìn và hành trình sáng chế của họ. Khánh An, cô gái duy nhất trong nhóm chia sẻ về hình dung không mấy lạc quan về diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19. Theo Khánh An, chính hình dung đầy lo ngại đó đã thôi thúc nhóm Vihelm phát triển chiếc mũ.
Khánh An còn chia sẻ: "Tương lai, em cùng với nhóm mong muốn sẽ phát triển chiếc "mũ cách ly di động" trở thành chiếc mũ thông minh vừa phòng bệnh, vừa bảo vệ người dùng, vừa có thể kết nối dữ liệu; Thêm nữa, nhóm em rất muốn có thể cải tiến sản phẩm thành "mũ bảo hộ kiêm mũ bảo hiểm" tránh khói bụi, độc hại, sẽ rất có ích cho người đi xe máy ở Việt Nam và giúp cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ".
|
Nhóm tác giả của sản phẩm sản phẩm "Mũ cách ly di động phòng dịch Covid-19 Vihelm" được trao danh hiệu Đại sứ trẻ Sở hữu trí tuệ của WIPO. Ảnh: @Google. |
Khánh An còn nhắc chuyện các nhà khoa học tin rằng, virus SARS-CoV-2 sẽ còn tiếp tục biến đổi để lẩn tránh vắc xin, và đó chỉ còn là vấn đề thời gian. Khánh An chia sẻ về những hình dung không mong muốn khi thế giới có thể bị cuốn vào vòng luẩn quẩn của việc ứng phó đại dịch. "Tin tốt lành là nếu viễn cảnh này xảy ra, thế giới vẫn có thể sử dụng ý tưởng mũ cách ly di động của nhóm để đánh bại mọi biến thể cùng một lúc”.
Sau Khánh An, thành viên Hoàng Phúc nói về câu chuyện giáo dục và những thách thức trong thời đại Internet đặt ra với giới trẻ. Phúc cho rằng, thế hệ mình sinh ra trong một thời đại cái gì cũng có trên mạng, nhưng trong sự dư thừa đó, vẫn rất thiếu những nguồn tài nguyên tin cậy, sự hỗ trợ kiến thức, định hướng đúng đắn cho tư duy sáng tạo, rất nhiều câu hỏi vì sao, như thế nào chưa được trả lời. Phúc thừa nhận bản thân và hai thành viên trong nhóm Vihelm đã may mắn hơn nhiều người khi có được sự chỉ dẫn, giúp đỡ trong những bước đầu tiên vào khoa học của người thầy cố vấn cho cả nhóm là nhà sáng chế Nguyễn Đình Nam và các chuyên gia khác.
Với vinh dự trở thành đại sứ trẻ của WIPO, Phúc đề xuất giải pháp giáo dục phi tuyến tính, tức giải pháp giúp những người trẻ được học mọi kiến thức mong muốn vào mọi thời điểm phù hợp nhất với khả năng của họ, mà không bị giới hạn bởi chương trình đào tạo hay lứa tuổi.
Còn Minh Đức, đội trưởng của nhóm các nhà sáng chế trẻ Vihelm cho biết, nhóm đã chuẩn bị cho công nghệ này hơn một năm qua nhằm mục tiêu giải quyết viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy tới của đại dịch COVID-19. "Nhóm tin rằng, cách tốt nhất để tối đa hóa ảnh hưởng của mình là chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ với thế giới, và nhóm cũng đã bắt đầu làm điều này thông qua sáng kiến C-TAP (Chương trình thúc đẩy điều trị COVID-19) của WHO", Minh Đức nói.
|
"Mũ cách ly di động" của nhóm bạn trẻ Việt được vinh danh trên quốc tế. Ảnh: @Google. |
Bên cạnh đó, Minh Đức chia sẻ về quá trình nghiên cứu mũ Vihelm: "Với vai trò là đội trưởng, phải tìm hiểu thông tin chung về kiến thức khoa học, các dữ liệu thông tin về sở hữu trí tuệ của quốc tế, đặc biệt là Mỹ; Em cùng Khánh An và Hoàng Phúc đã dành nhiều thời gian chuyên tâm cho nghiên cứu, thuyết minh về sản phẩm. Có những ngày cao điểm, chúng em phải làm việc đến 1,2 giờ sáng”.
Nhà sáng chế trẻ nói thêm về triết lý chia sẻ của mũ Vihelm, hiểu rằng việc chia sẻ có thể làm giảm bớt lợi ích của những người sở hữu sáng chế, nhưng nếu việc này được thực hiện đúng cách, những người sở hữu sẽ được nhận lại sự tin tưởng của mọi người, từ đó có thể có được vị thế dẫn dắt để đạt được những điều sẽ không thể có nếu chỉ hành động đơn lẻ.
Nhà sáng chế trẻ tuổi này còn bày tỏ hy vọng với danh hiệu đại sứ sở hữu trí tuệ vừa được WIPO trao tặng, Đức có thể hỗ trợ những người cùng thế hệ phát huy năng lực sáng tạo, và sử dụng hợp lý quyền sở hữu trí tuệ của họ giúp cho xã hội tốt đẹp hơn.
Minh Đức còn khẳng định rằng: "Nếu sản phẩm được đưa vào quá trình sản xuất đại trà, em mong và tin rằng, hầu hết các tổ chức hoặc cá nhân người dùng sẽ thích mua sản phẩm này được sản xuất ở Việt Nam chất lượng tốt, giá thành rẻ. Tuy nhiên, em và nhóm sẽ không chú trọng vào thương mại hóa, bởi chúng em hiện tại với mục tiêu duy nhất là nâng cấp sản phẩm sao cho tối ưu và sẽ hiệu quả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành".
Huỳnh Dũng