Một năm ra mắt, thị trường 4G hiện ra sao?

Google News

Giá cước 4G gần như không có sự thay đổi tại Việt Nam. Cả 3 nhà mạng vẫn giữ mức giá từ thời điểm ra mắt, tốc độ có cải thiện nhưng không đáng kể.

Tháng 3/2017, các doanh nghiệp viễn thông lần lượt ra mắt dịch vụ 4G và quyết tâm chạy đua về hạ tầng cũng như chất lượng dịch vụ đẩy lượng thuê bao 4G đã tăng nhanh chóng.
Giai đoạn đầu triển khai dịch vụ 4G, không khó để nhận ra Viettel đã nhanh chân hơn các đối thủ trong nhiều giai đoạn. Từ triển khai hạ tầng tới thực hiện đổi SIM cho người dùng, nhà mạng quân đội đều làm rất nhanh nhờ kinh nhiệm có được khi triển khai các chiến dịch tương tự tại thị trường nước ngoài.
Miếng bánh thị phần có dễ ăn?
Có bước chạy đà tốt, Viettel vươn lên so với VinaPhone và MobiFone trong cuộc đua 4G. Tuy nhiên, hai nhà mạng còn lại vẫn có những ưu điểm cạnh tranh riêng. Cuộc đua tam mã đã khiến giá cước 4G tại Việt Nam hợp lý hơn rất nhiều và kéo theo lượng thuê bao 4G tăng nhanh.
Lần gần nhất có thống kê về thị phần 4G tại Việt Nam là số liệu của 6 tháng đầu năm 2017, do IDG thực hiện với sự tham gia của 14.000 người dùng 4G. Tại thời điểm đó, Viettel áp đảo hoàn toàn hai đối thủ, khi chiếm lĩnh 52% thị phần, xếp sau là MobiFone với 27% và VinaPhone với 21% thị phần.
 
Tháng 3/2018, Viettel tuyên bố đã chạm tới 10 triệu khách hàng 4G sau một năm triển khai dịch vụ. Đây là con số mà nhà mạng tự thống kê và khẳng định 20% khách hàng của Viettel hiện sử dụng 4G, mức cao hơn trung bình châu Á (10-15%).
Hai nhà mạng còn lại tới nay vẫn chưa có số liệu chính xác lượng thuê bao 4G. Theo nguồn tin của Zing.vn tại một nhà mạng lớn, con số thuê bao 4G thường được giữ kín, vì phục vụ chiến lược kinh doanh và chỉ được công bố nhằm mục đích quảng bá.
Nếu miếng bánh thị phần vẫn giữ nguyên như thời điểm 6 tháng đầu năm 2017 theo khảo sát của IDG, thì ước tính Việt Nam đang có khoảng gần 20 triệu thuê bao 4G, một con số rất ấn tượng. Trong khi tại thời điểm tháng 7/2017, Cục Viễn thông công bố cả nước mới chỉ có 3,5 triệu thuê bao 4G.
Về số trạm phát sóng BTS tới hết năm 2017, MobiFone đặt ra mục tiêu là 30.000 trạm, VinaPhone là 21.000 trạm trong khi Viettel nhanh chóng đạt tới 36.000 trạm phát sóng 4G ngay trước thời điểm chính thức triển khai dịch vụ.
Không khó để nhận ra sự chênh lệch về lượng trạm phát sóng của ba nhà mạng. Theo bản đồ phủ sóng 4G của Speedtest, sóng của Viettel gần như phủ kín lãnh thổ Việt Nam, trong khi sóng của hai nhà mạng còn lại tập trung mạnh vào các đô thị lớn.
Tốc độ, chất lượng ra sao?
Đầu tháng 4 vừa qua, Cục Viễn thông có công bố kết quả của một khảo sát về chất lượng 4G. Theo đó, tốc độ mạng 4G tại Việt Nam đạt mức 21,49 Mbps, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore.
Kết quả này khớp với kết quả đo kiểm chất lượng 4G của 3 nhà mạng mà Cục Viễn thông từng thực hiện trong quý III/2017. Tại thời điểm đó, MobiFone vượt mặt Viettel ở tốc độ tải lên, nhưng thua nhà mạng quân đội ở tốc độ tải xuống.
Cũng theo khảo sát của IDG đầu năm 2017, tỷ lệ người dùng cho biết không hài lòng với tốc độ 4G chỉ là 9%. Đây là con số không gây bất ngờ, bởi với người dùng Việt Nam, việc sử dụng kết nối nhanh gấp 4 lần mạng 3G mang lại trải nghiệm tốt hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Viễn thông, tốc độ 4G phải nhanh gấp 10 lần 3G và đang gặp khó vì hạn chế về băng tần.
Vào thời điểm hiện tại, khảo sát nhanh của Zing.vn từ một địa điểm nội đô Hà Nội cho thấy tốc độ 4G của cả 3 nhà mạng vẫn chỉ dao động trong khoảng 23-27 Mbps, có cải thiện nhưng không đáng kể sau hơn một năm chính thức ra mắt.
 Gói cước 4G của các nhà mạng không có nhiều thay đổi về giá kể từ thời điểm ra mắt. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
Bên cạnh đó, sau một năm ra mắt, giá cước 4G gần như không có sự thay đổi tại Việt Nam. Cả 3 nhà mạng vẫn giữ mức giá từ thời điểm ra mắt, đi kèm thông điệp rẻ hơn nhưng nhanh hơn 3G.
Mức giá cước 4G tại thời điểm ra mắt đã làm hài lòng số đông người dùng, tuy nhiên vẫn có 17% số người tham gia khảo sát của IDG không hài lòng với giá dịch vụ và 81% không hài lòng về chương trình khuyến mãi, maketing và tư vấn của nhà mạng.
Cú "sốc" lớn nhất về giá với người dùng có nhu cầu kết nối Internet từ điện thoại lại không đến từ 4G mà là chiến dịch quảng bá SIM 3G giá rẻ của một nhà mạng nhỏ, nhưng ngay sau đó đã bị cơ quan quản lý "tuýt còi" vì giá quá rẻ so với mặt bằng chung.

Theo Ngô Minh/Zing