IMO gồm các loài vi sinh có nguồn gốc trong đời sống sinh hoạt của con người, phát triển trong môi trường tự nhiên. Chúng tham gia tích cực vào quá trình phân giải chất hữu cơ thành CO2 và những hợp chất vô cơ sử dụng làm thức ăn cho cây trồng. Cùng với đó, cố định nitơ thông qua việc biến khí nitơ trong không khí thành các hợp chất chứa nitơ để cung cấp cho thực vật.
Chế phẩm IMO (vi sinh vật bản địa) được điều chế bằng cách tận dụng nguyên liệu có sẵn trong đời sống để phục vụ tạo ra các chế phẩm sinh học phục vụ sinh hoạt trồng trọt, chăn nuôi như: khử mùi, vệ sinh chuồng trại, thuốc trừ sâu sinh học, tạo phân bón hữu cơ, và các dung dịch tẩy rửa như nước lau nhà, rửa chén…
|
Hội Liên hiệp phụ nữ TP Đồng Hới phối hợp với Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên - WWF Việt Nam tổ chức 3 lớp tập huấn phân loại rác (PLR), sản xuất men vi sinh bản địa - IMO và ứng dụng IMO trong xử lý rác hữu cơ. |
Nhận thức rõ được vấn đề cấp bách tác động của rác thải với ô nhiễm môi trường, Hội phụ nữ TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với Tổ chức WWF - Việt Nam tổ chức lớp ToT đào tạo cho 60 cán bộ nòng cốt về kỹ năng truyền thông, 3 lớp tập huấn cho 150 mô hình tham gia tập huấn, 10 chuyên gia hướng dẫn phân loại rác tại nguồn và cách sản xuất men vi sinh bản địa IMO.
Tại các lớp tập huấn, học viên được các chuyên gia, giảng viên chia sẻ các kiến thức về thực trạng và tác hại của tình trạng ô nhiễm rác thải, cách phân loại các loại rác thải, quy trình sản xuất men vi sinh bản địa - IMO và ứng dụng IMO trong xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình, những lợi ích của việc nuôi IMO nhằm phục vụ trồng trọt và một số hoạt động trong cuộc sống hằng ngày.
|
Học viên thực hành các nội dung tại lớp tập huấn. |
Vừa tiếp thu kiến thức, học viên vừa được thực hành làm IMO tại lớp, được hỗ trợ bộ dụng cụ và nguyên liệu để về thực hành tại gia đình. Qua việc ủ IMO và ứng dụng IMO, các hộ gia đình sẽ tạo ra các sản phẩm thân thiện như nước rửa chén, dầu gội, nước lau sàn, nước tưới cây, ủ phân, ủ rác, khử mùi, thực hiện hiệu quả mô hình phân loại rác thải tại hộ gia đình và Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”.
Trao đổi với PV, bà Mai Thị Nhàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Đồng Hới cho hay, đến thời điểm này, đã có 3.000 hội viên được tham gia khóa tập huấn và 150 mô hình điển hình làm men vi sinh. Từ kiến thức được tập huấn, chị em đã tự làm được những sản phẩm cho gia đình dùng và truyền đạt lại cho các hội viên khác. Mô hình này đã được lan tỏa tới từng phường.
“Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều hội viên nữ sử dụng men vi sinh bản địa này, vì nó rất là hữu ích trong cuộc sống hàng ngày của gia đình”, bà Nhàn nói.
Bà Trần Thị Mai Lan, Chủ tịch Hội phụ nữ phường Đông Sơn cho biết, việc biến rác thải thành rác thải hữu cơ hay men vi sinh hữu ích góp phần bảo vệ môi trường đã được các chị em hưởng ứng nhiệt tình. Đặc biệt, những sản phẩm từ IMO có thể sử dụng trong sinh hoạt gia đình khiến các chị em thích thú.
Cùng với xử lý rác thải hữu cơ khoa học, hiệu quả, Hội phụ nữ TP. Đồng Hới còn tuyên truyền cho người dân việc phân loại rác tại nguồn, đặc biệt là giảm thiểu rác ra môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon.
Mai Loan