Microsoft từ chối TikTok, mua ZeniMax: Niềm vui cho game thủ Việt

Google News

Việc Microsoft chốt thương vụ ZeniMax với 7,5 tỷ USD tiền mặt khiến game thủ Việt có lý do để ăn mừng.

Microsoft tu choi TikTok, mua ZeniMax: Niem vui cho game thu Viet
 Microsoft giờ đã có thêm các series bom tấn trong đội hình
Không lâu sau khi thông báo từ bỏ thương vụ TikTok, Microsoft đã có pha đánh úp khiến cả thế giới bất ngờ. Trong một thông báo ngắn gọn hôm 21/09, gã khổng lồ phần mềm xứ cờ hoa cho biết đã bỏ ra 7,5 tỷ USD tiền mặt để mua ZeniMax.
Thương vụ này sẽ giúp Microsoft bổ sung vào kho Xbox và nền tảng chơi game đám mây những sản phẩm chất lượng của nhà phát triển Bethesda Softworks và id Software (những công ty con của ZeniMax). Những cái tên như Quake, The Elder Scrolls hay Fallout được kỳ vọng sẽ tiếp tục ra mắt phiên bản mới chất lượng dưới triều đại của Microsoft.
So với vụ mua lại TikTok, việc Microsoft thâu tóm ZeniMax có ý nghĩa hơn nhiều đối với các game thủ Việt. Lý do bởi dù có thành công trong thương vụ TikTok, tầm ảnh hưởng của nó cũng chỉ ở trong phạm vi nước Mỹ và không tác động gì nhiều đến bên ngoài.
Trong khi đó, với ZeniMax trong đội hình, Microsoft đã nâng đội ngũ studio nội bộ từ 15 lên 23 và bổ sung thêm hàng loạt series game ăn khách cùng với id Tech, xương sống của việc phát triển game. Nhìn nhận về thương vụ này, phần lớn game thủ Việt đều tỏ ra phấn khích và ủng hộ mạnh mẽ Xbox Series X cũng như Xbox Game Pass, nền tảng chơi game đám mây hiện có 15 triệu thuê bao trả phí hàng tháng.
“Cash buyout là Microsoft lấy tiền mua cổ phiếu của ZeniMax, ZeniMax trở thành công ty con trực thuộc Microsoft, cổ đông ZeniMax có tiền tươi cầm về. Stock buyout là Microsoft lấy cổ phiếu của mình trao đổi với cổ phiếu của ZeniMax, cổ đông của ZeniMax thành cổ đông của Microsoft, giá trị chuyển đổi hai bên tự thỏa thuận.
Tùy tình hình kinh doanh của bên được mua mà giá mua có thể cao hơn giá thị trường, đa số các thương vụ M&A (mua lại & sáp nhập) là dùng một phần tiền và cổ phiếu. Dùng tiền mua đứt như Microsoft tức là cực kỳ giàu. Các trường hợp sáp nhập giữa hai công ty ngang nhau thường là kết hợp để cổ đông chi phối của hai bên ngồi chung một ban quản trị (board) sau khi sáp nhập, ví dụ như thương vụ Activision Blizzard hồi năm 2008”, chuyên gia Nguyễn Việt ‘Kronpas’ Hải chia sẻ.

Phương Nguyễn/Theo Ictnews