Mặt trăng thứ hai của Trái đất nằm ở đâu?

Google News

Chúng ta thường chỉ thấy có một Mặt trăng trên bầu trời và rất ít ai nghĩ rằng Trái đất có tới hai Mặt trăng. Nhưng NASA đã gây bất ngờ khi công bố phát hiện Mặt trăng thứ hai của Trái đất cách đây không lâu.

Theo đó, NASA cho biết, Mặt trăng thứ hai này đã quay quanh Trái đất được gần một thế kỷ và được phát hiện trong một quỹ đạo quay quanh Mặt trời. Nó là một tiểu hành tinh được lực hút của Trái đất giữ lại và cách Trái đất xa hơn khoảng 38 lần so với khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trăng.
Được đặt tên là 2016 HO3, Mặt trăng thứ hai được phát hiện bởi kính thiên văn Pan-STARRS 1 đặt tại Haleakala Hawaii. Kính thiên văn này chuyên nghiên cứu các tiểu hành tinh và đã đo được một vòng của 2016 HO3 quay quanh Mặt trời là mất 365,93 ngày (của Trái đất là 365,24 ngày).
 Mặt trăng thứ hai của Trái đất mang tên 2016 HO3.
Giám đốc trung tâm Nghiên cứu các vật thể gần Trái Đất (NEO) của NASA Paul Chodas cho biết: "HO3 chuyển động quanh hành tinh của chúng ta, nhưng không bao giờ ra quá xa. Cả Trái Đất và HO3 đều quay xung quanh Mặt Trời. Chúng tôi coi nó gần như là một vệ tinh của Trái Đất"
"Hơn 10 năm trước đây đã từng có một tiểu hành tinh khác được đặt tên là 2003 YN107 quay quanh Trái Đất theo một mô hình quỹ đạo tương tự, nhưng sau đó nó đã rời xa Trái Đất và đi vào vũ trụ sâu thẳm. Tính toán của chúng tôi cho thấy, 2016 HO3 đã là một vệ tinh ổn định của Trái Đất trong gần một thế kỷ qua, và nó sẽ tiếp tục là bạn đồng hành của Trái Đất trong nhiều thế kỷ tới".
Được gọi là “vệ tinh đồng quỹ đạo”, 2016 HO3 thực chất là một thiên thạch có đường kính từ 40 – 100 mét và phản chiếu ánh sáng như các thiên thạch khác. Các vật thể tương tự 2016 HO3 thường có quỹ đạo không ổn định và thay đổi lớn trong thời gian ngắn. Nhưng 2016 HO3 lại di chuyển ổn định trong một thế kỷ qua và được dự đoán là sẽ còn quay ổn định trong nhiều thế kỷ tới, vì thế nó được coi là Mặt trăng thứ hai của Trái đất.
Theo Người Đưa Tin