Một trong số đó là Tiến sĩ Stevenson, người đã qua đời vào năm 2007. Ông đã nghiên cứu hơn 2.500 trường hợp trẻ em kể lại “cuộc sống tiền kiếp”. Trong số này, theo ông có tới 1.200 trường hợp có thể được chứng thực khách quan. Phần lớn những đứa trẻ “đặc biệt” sinh ra ở các khu vực mà cư dân có niềm tin lớn vào luân hồi chuyển kiếp (chẳng hạn như châu Á, Ấn Độ...).
Trong suốt 40 năm nghiên cứu, ông đã xác định bảy đặc điểm phổ biến ở các trường hợp này, mà bản thân ông đã xác định đây mới chỉ là “dấu hiệu” chứ chưa thể là “bằng chứng” chứng minh tiền kiếp là có thật. Cụ thể gồm có: Đứa trẻ sẽ bắt đầu miêu tả một trải nghiệm sống trong quá khứ ngay sau khi nó biết giao tiếp, trò chuyện với mọi người. Đứa trẻ nhớ lại một cách chi tiết về cái chết của mình ở kiếp trước. Có đủ mô tả về gia đình nơi đứa trẻ sinh ra trong quá khứ để xác định trong thực tế. Có sự giống nhau về các đặc điểm tính cách, sở thích và thói quen giữa hiện thân ở kiếp trước và kiếp này. 90% các trường hợp vẫn giữ nguyên giới tính. Ngoại hình thể chất, đặc biệt là nét mặt, có xu hướng tương tự nhau. Và việc “tái sinh” đã làm mới mối quan hệ gia đình, xã hội.
“Xin chào! Leila phải không?”
Có lẽ câu chuyện nổi tiếng nhất về ký ức tiền kiếp là của Hanan Monsour/Suzanne Ghanem. Vào giữa thập niên 1930, cô bé Hanan chào đời ở Liban. Ở độ tuổi hai mươi, cô kết hôn với một người tên là Farouk Monsour. Cặp đôi này có hai con gái, là Leila và Galareh, nhưng sau khi sinh cô con gái thứ hai, Hanan mắc bệnh tim và được cảnh báo không nên sinh thêm con. Thế nhưng cô đã phớt lờ điều này và tiếp tục sinh con trai năm 1962. Một năm sau, sức khỏe của Hanan trở nên tồi tệ và ở tuổi 36, cô phải tới Virginia (Mỹ) để phẫu thuật tim. Trước khi phẫu thuật, Hanan đã rất cố gắng liên lạc Leila để nói rằng cô ấy muốn chia đều đồ trang sức của mình cho hai cô con gái nếu không qua khỏi nhưng không thành. Người phụ nữ xấu số sau đó đã chết vì các biến chứng của ca phẫu thuật.
|
Chân dung Hanan Monsour và Suzanne Ghanem. Ảnh: IESES |
Mười ngày sau, Suzanne Ghanem ra đời. Khi mới tròn 16 tháng tuổi, cô bé đã nhấc điện thoại lên và liên tục nói vào ống nghe: “Xin chào. Leila phải không?”. Điều này khiến bố mẹ cô bé hết sức ngạc nhiên vì họ không quen ai tên Leila cả. Khi Suzanne lớn hơn một chút, cô bé nói với mọi người rằng Leila là con gái của mình và tên của cô bé không phải là Suzanne mà là Hanan. Năm Suzanne lên 2, cô bé còn đọc vanh vách tên của 13 trong số các thành viên gia đình trong quá khứ.
Quá đỗi sửng sốt bởi những lời nói kỳ lạ của Suzanne, nhà Ghanem bắt đầu tìm kiếm gia đình Monsour. Ban đầu, gia đình Monsour không tin vào câu chuyện này. Mối nghi ngờ chỉ dần cởi bỏ sau khi Suzanne lần lượt gọi tên chính xác một số thành viên của gia đình họ xuất hiện trong các bức ảnh. Khi Suzanne 5 tuổi, cô bé gọi ít nhất ba lần một ngày và mỗi lần đến thăm “người chồng kiếp trước”, cô bé đều thích ngồi trên đùi và tựa đầu vào ngực Farouk. Cuối cùng Farouk đã phải thừa nhận rằng Suzanne là người vợ quá cố của mình sau khi nghe cô kể những câu chuyện mà chỉ Hanan mới biết?
Quá khứ chữa lành hiện tại
Từ lâu, người ta đã áp dụng một liệu pháp trị liệu đặc biệt được gọi là “Thôi miên trở về tiền kiếp”, gọi tắt là PLR (Past Life Regression). Theo đó, người hồi tưởng lại quá khứ sẽ được đưa vào trạng thái thôi miên nhằm chữa lành những tổn thương từ cuộc sống quá khứ hoặc hiện tại của họ, hoặc đang cố gắng tìm mục đích của họ trong thân xác hiện tại. Người tham gia được cho là nhìn thấy, trải nghiệm và cảm nhận hiện thân trong quá khứ, với một cuộc hành trình có hướng dẫn theo các dấu hiệu từ một nhà trị liệu được đào tạo bài bản. Với những đặc điểm này trong tâm trí, không quá ngạc nhiên khi liệu pháp PLR phổ biến ở người lớn hơn so với trẻ em. Nhiều người hoài nghi (kể cả nhà nghiên cứu Stevenson đã nhắc tới ở trên), tin rằng những câu chuyện về tiền kiếp khó xác định ở người lớn hơn, vì vậy việc thực hiện PLR ở tuổi trưởng thành có thể dẫn tới sai sót do những ký ức được hình thành do vô tình hoặc cố ý trong đời sống hoặc do những ký ức giả được các nhà trị liệu gieo vào đầu bệnh nhân với mục đích tốt.
Dù vậy, nhiều người sau khi trải qua liệu pháp PLR khẳng định rằng nó đã mang lại lợi ích to lớn cho họ cả về mặt tâm lý và cuộc sống cá nhân. Vì liệu pháp này bao gồm các lời hứa, sự thất bại - thành công, chấn thương, trí tuệ, v.v cùng những kiểu sống tích cực và tiêu cực. Điều đó có nghĩa là PLR không chỉ giúp người tham gia xác định ký ức và hành vi của họ trong quá khứ, mà còn “hướng dẫn” cách phá vỡ thói quen xấu và khai thác vào thế mạnh của họ ở hiện tại. Theo báo cáo, liệu pháp này được cho là đặc biệt hữu ích với các bệnh nhân bị ám ảnh nặng nề. Dù vậy xung quanh liệu pháp tâm lý này vẫn còn nhiều nghi vấn; đòi hỏi các nhà nghiên cứu theo dõi sát sao hiệu quả ở các bệnh nhân khác nhau. Ký ức đau buồn để lại dấu ấn qua các thế hệ Ở các nghiên cứu khác, các nhà khoa học cũng tìm hiểu về khả năng “di truyền” những ký ức trực tiếp qua gene của chúng ta. Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Neuroscience năm 2013, các nhà khoa học đã khiến những chú chuột sợ hãi một mùi hương nhất định bằng cách gây sốc chúng mỗi khi xuất hiện mùi hương. Họ phát hiện ra rằng thế hệ tiếp theo của lũ chuột cũng có sự ác cảm với cùng một mùi hương dù chúng không hề bị kích thích. Đồng thời, có những thay đổi trong cấu trúc não ở thế hệ tiếp theo. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng có sự tương quan giữa chấn thương mà họ từng tạo ra với ADN trong tinh trùng của chuột.
Theo cuốn “Bí ẩn nhân loại” (NXB Từ điển Bách khoa), một số nhà khoa học đã thử đưa ra một lý thuyết giải thích hiện tượng “trở về tiền kiếp” với khái niệm “trí nhớ gene”. Theo đó, nếu các vùng “ngủ” trong ADN bị kích thích, con người có thể trải qua hiện tượng này. Họ có thể nhớ lại gốc gác La Mã hoặc Ai Cập từ xa xưa. Do ảnh hưởng bởi tiền kiếp mà nhiều người có thói quen sờ râu quai nón, mặc dù trên mặt họ không hề có râu; người lại quen nhấc vạt áo vét, y như động tác vén váy dài đang mặc khi vượt qua vũng nước. Bên cạnh đó, một số nhà vật lý và sinh học đưa ra cách giải thích vấn đề trên bằng “kết cấu phách”. "Phách" là một khái niệm chỉ "phần bất biến" của con người, còn được hiểu là "phần năng lượng tách ra dưới dạng sóng". Khi người chết, “phách” liền tan vào vũ trụ. Vì thế, “phách” có thể hiểu là một loại “trường sóng hạt cơ bản nhẹ”, hoặc là “tập hợp những năng lượng thông tin cá thể”. Nhiều nhà khoa học khác đã mạnh dạn đề cập tới những khái niệm rất mới về hiện tượng bí ẩn kể trên song vẫn chưa đem lại kết quả khả quan.
Còn theo Acient Origins, những câu chuyện về “luân hồi” hay “ký ức về các kiếp sống khác nhau” đến nay vẫn là một lĩnh vực chưa được giới nghiên cứu làm sáng tỏ. Việc ghi nhớ cuộc sống trong quá khứ là một hiện tượng thú vị và giống như những trải nghiệm vượt qua ranh giới tâm linh và khoa học khác, không nhất thiết phải chứng minh hoặc bác bỏ tính hợp lệ của tất cả các sự kiện này.