Chiếc router thân thuộc bỗng trở nên bí hiểm khi đường truyền Wifi không ổn định chỉ cần rút ra và cắm lại mọi việc được giải quyết. Trên thực tế, router tương tự như một chiếc máy tính nhỏ. Bên trong lớp vỏ nhựa cũng bao gồm các thành phần như CPU, RAM và bộ nhớ lưu trữ, tất cả được điều khiển bởi một hệ điều hành. Bạn thường khởi động lại máy tính để giải quyết lỗi và đối với router Wifi cũng vậy.
Đa số các nhà cung cấp dịch vụ (ISP) thường cấp một địa chỉ IP động, dãy số giúp các thiết bị nhận diện, gửi và nhận thông tin, giống như địa chỉ nhà của bạn. Ngoài ra, còn có IP tĩnh nhưng chỉ thường dùng cho một mục đích riêng biệt, chủ yếu là trong doanh nghiệp.
Khi dùng smartphone, tablet hoặc laptop có kết nối Wifi thì chúng thường được cấp một địa chỉ IP động. Cũng chính vì là IP động nên chúng có thể sẽ thay đổi bất cứ lúc nào và khi router của bạn không "nhận diện" được thiết bị trong trường hợp IP đã thay đổi, tất nhiên kết nối mạng sẽ gặp vấn đề. Và lúc này, khởi động lại router sẽ giúp router và thiết bị nối liên lạc lại với nhau.
|
Khởi động lại router thường xuyên là phương pháp đơn giản nhất để tăng tốc độ đường truyền. |
Bên cạnh đó, việc có quá nhiều thiết bị kết nối vào một router Wifi cũng khiến bạn phải khởi động lại router. Trong quá trình khởi động lại, router có thể tìm các kênh (channel) có lưu lượng truy cập thấp và sử dụng chúng để tăng tốc độ hoạt động.
Nếu đã khởi động lại router nhiều lần mà vẫn không sửa được lỗi, điều này cảnh báo rằng, bạn nên tìm một chiếc router mới hơn, đơn giản vì router cũ đã không còn đáp ứng nhu cầu kết nối và sử dụng cao như hiện tại.
Hiện các bộ router Wifi mới hỗ trợ chuẩn 802.11ac với khả năng "gánh" hơn 20 thiết bị kết nối cùng lúc. Để so sánh, chuẩn 802.11g giới thiệu năm 2003 chỉ có thể xử lý ổn định với 2 hoặc 3 thiết bị kết nối. Nhưng con số hơn 20 vẫn còn khá ít nếu so với tốc độ mạng hiện tại có thể đạt được, lượng thiết bị kết nối có thể lên đến gần cả trăm.
Một số lý do tiềm ẩn khác cũng khiến router của bạn ngừng hoạt động như: lỗi treo máy; lỗi xung đột địa chỉ IP, lỗi quá nhiệt.... Tóm lại, việc khởi động lại router là điều nên làm và làm thường xuyên để đảm bảo router của bạn luôn hoạt động ổn định. Nếu router đặt ở nơi quá xa hoặc không tiện tắt, bạn hãy nghĩ tới việc mua thêm một ổ cắm hẹn giờ rồi cài đặt thời gian bật tắt cho router.
Theo Hạnh Vũ/VietQ