Mắt mèo có góc nhìn rộng 200 độ và tế bào hình que nhiều gấp 8 lần so với mắt người, nên nó có khả năng nhìn tốt vào ban đêm, các vật ở tầm xa nhưng khi nhìn gần và nhìn các vật vào ban ngày kém hơn mắt người do ít các tế bào hình nón.
Mắt mèo có các tế bào hình que, một loại tế báo nhạy cảm với ánh sáng, nhiều gấp 6 - 8 lần so với con người. Tế bào hình que còn cho phép mèo cảm nhận chuyển động trong bóng tối tốt hơn nhiều.
Giác mạc và đồng tử của mèo rộng hơn của người, vì vậy thu nhận được nhiều ánh sáng hơn trong hoàn cảnh thiếu ánh sáng. Chúng còn có chiếc gương tapetum giúp phản xạ ánh sáng trở lại mắt. Tapetum của mắt mèo phản xạ ánh sáng 130 lần, mạnh hơn mắt người. Đó là lý do vì sao mắt mèo rực sáng trong bóng tối.
Tapetum lucidum là một lớp phản chiếu nằm phía sau võng mạc của mèo, chó và hầu hết các loài động vật có vú khác. Ánh sáng đi qua võng mạc sẽ phản xạ lại tapetum về phía cơ quan thụ cảm, thường làm cho mắt động vật phản chiếu màu xanh lục hoặc vàng trong ánh sáng chói, so với hiệu ứng mắt đỏ ở người.
Rất nhiều động vật có lớp gương Tapetum lucidum như hươu, chó, mèo, trâu, bò, ngựa và chồn. Con người, các loài linh trưởng, sóc, chuột túi và lợn đều không có hoạt chất này.
Một điểm thú vị nữa, mắt các loài động vật khi phát sáng đều khác nhau, không cùng chung một màu mắt. Sở dĩ như vậy là do những chất khác nhau như riboflavin hoặc kẽm có trong mỗi Tapetum của động vật. Ngoài ra, những sắc tố nằm trên võng mạc, tuổi tác cùng một số yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng tới màu mắt, ví dụ như cùng một giống chó nhưng màu mắt khi phát sáng có thể hoàn toàn khác nhau. Mắt mèo thường phát sáng màu xanh lá cây, trong khi đó mắt mèo xiêm lại có màu vàng rực rỡ khi phát sáng. Và lớp gương Tapetum lucidum ở mèo cũng thường nhiều hơn chó.
Theo Nguyễn Giang/Công lý & xã hội