Việc OpenAI ra mắt ChatGPT vào cuối năm 2022 đã khiến cả thế giới bùng nổ cơn sốt mới đối với những Chatbot tích hợp công nghệ AI.
Microsoft sau đó lập tức đầu tư hàng tỷ USD vào OpenAI để đổi lấy quyền tích hợp công cụ này vào trình tìm kiếm Bing để nâng cao trải nghiệm người dùng và sớm nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Để không bị lép vế so với các đối thủ cạnh tranh, Google phát hành chatbot Bard gấp rút đến mức để lộ lỗi sai thông tin ngay trên video giới thiệu sản phẩm.
Từ kẻ đi trước trở thành người bám đuổi
Trong cuộc phỏng vấn cho chương trình podcast No Priors, Noam Shazeer - cựu kỹ sư chủ chốt trong nhiều dự án phát triển mô hình ngôn ngữ lớn cho sự do dự đã khiến Google chậm trễ trong cuộc đua AI, dẫn đến việc phải tự đặt mình vào vị trí phòng thủ như hiện tại.
Shazeer còn khẳng định Google đã nắm trong tay nhiều công nghệ đủ sức triển khai một hệ thống Chatbot tương tự từ nhiều năm trước.
Theo Insider, Shazeer là tác giả chính của bài báo nghiên cứu về Transformer, kiến trúc xử lý ngôn ngữ do Google phát triển vào năm 2017. Cho đến nay, mô hình học máy này đã được dùng rộng rãi trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính và được xem như "chìa khóa" cho các Chatbot.
Sau khi rời Google, Noam Shazeer cùng với Daniel De Freitas, một người cũng từng làm việc ở Google Brain đồng sáng lập Character.AI, công cụ giúp người dùng tạo ra chatbot với tính cách dựa trên mô tả của chính họ.
Shazeer cho biết ngay từ lần đầu gia nhập Google vào năm 2016, De Freitas đã thực hiện "sứ mệnh cả đời" để biến các Chatbot thông minh thành hiện thực sau khi đọc một số tài liệu nghiên cứu về công nghệ ngôn ngữ.
Khi ấy, De Freitas đã nhìn thấy tiềm năng của việc sử dụng nghiên cứu ngôn ngữ lớn của Google để xây dựng một Chatbot hoàn chỉnh.
"Cậu ấy không có nhiều nhân sự và bắt đầu mọi thứ như quy tắc 20%. Sau đó, De Freitas chỉ tuyển dụng một đội quân gồm 20% nhân viên sẵn sàng bỏ qua công việc hàng ngày của họ chỉ để giúp cậu ấy với hệ thống này", Shazeer nói và đề cập đến "Quy tắc 20%" cho phép nhân viên ngoài những công việc thường ngày ở công ty, được phép bỏ ra 20% thời gian để làm nhiều việc khác nhằm tăng sức sáng tạo.
Sau nhiều nỗ lực, De Freitas đã thành công tạo ra Meena, một Chatbot được thử nghiệm công khai vào năm 2020 và sau đó được Google đổi tên thành LaMDA - mô hình ngôn ngữ lớn nền tảng cho Bard.
"Trong khi những người khác đang xây dựng những hệ thống thất bại toàn diện, cậu ấy đã có thể hoàn thiện một thứ gì đó thực sự tuyệt vời và nó thực sự có thể hoạt động", Shazeer nhận định.
Bất chấp sự nhiệt tình của De Freitas và sự hỗ trợ từ các nhân viên khác, Shazeer nói rằng Google không tin rằng một Chatbot sẽ có đủ sức hút để biện minh cho bất kỳ rủi ro nào về danh tiếng của hãng.
"Tôi nghĩ đó chỉ là vấn đề của các công ty lớn. Họ lo ngại về độ mạo hiểm so với số tiền phải kiếm được từ dự án đó", Shazeer nói khi được hỏi lý do vì sao Google không phát hành một Chatbot sớm hơn ChatGPT.
Cái lý của Google
Năm 2021 chứng kiến màn ra mắt mô hình ngôn ngữ LaMDA của Google, tuy phần demo không thể hiện nhiều điều.
Những cải tiến về AI được Google công bố rộng rãi vẫn theo chiến lược cũ khi dành cho màn hình thông minh, dịch vụ bản đồ cùng thương vụ mua lại startup tạo avatar bằng AI.
Tuy nhiên, cho đến năm ngoái, LaMDA vẫn là chủ đề của một số tranh cãi sau khi một kỹ sư có tên Blake Lemoine tuyên bố AI này có tri giác, do đó xứng đáng được hưởng quyền con người.
Bên cạnh đó, Google cũng đã nhận được phản hồi nội bộ từ các nhà nghiên cứu AI về việc phát hành bất kỳ thứ gì như LaMDA cũng đều tiềm ẩn nguy cơ khó lường.
Thực tế, những lo ngại về Chatbot không phải là không có cơ sở. Đến chính cách ra mắt Bard của Google vội vàng đến mức thiếu kiểm tra thông tin.
Ảnh minh họa của Google cho thấy Bard trả lời sai câu hỏi về kính viễn vọng đầu tiên chụp ảnh ngoại hành tinh (hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời). Sự cẩu thả của Google dường như khiến giới đầu tư lo lắng, đẩy cổ phiếu công ty giảm 8% trong một ngày.
Trong khi đó, các ứng dụng AI như GitHub Copilot và ChatGPT đang lấy nội dung của con người để tạo ra phiên bản sao chép, làm nảy sinh nhiều vấn đề pháp lý và đạo đức.
Động thái vội vã khi ra mắt Bard cho thấy Google chưa sẵn sàng thử nghiệm và phát hành rộng rãi chatbot. Rõ ràng công ty không muốn tích hợp Chatbot dang dở vào công cụ tìm kiếm. Dù vậy trong tình cảnh bắt buộc chuyển mình, những gì xảy ra cho thấy Google đang bối rối tột độ.
Bloomberg nhận định việc Google bỏ qua mối bận tâm về đạo đức AI do lo ngại tiềm năng của quan hệ đối tác giữa OpenAI và Microsoft trong tương lai sẽ lấy đi thị phần tìm kiếm mà hãng vẫn đang thống trị.
Hàng tỷ người sử dụng công cụ tìm kiếm của Google mỗi ngày, từ tìm nhà hàng, chỉ đường cho đến chẩn đoán y tế.
Trong khi đó, Bing chỉ là lựa chọn hạng hai với các hãng di động, cho đến khi Microsoft tích hợp thêm trí tuệ nhân tạo dựa trên ChatGPT vào công cụ tìm kiếm này.
Samsung thậm chí còn đang xem xét thay công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị di động từ Google sang Bing, theo các tin nhắn nội bộ được The New York Times tiết lộ.
Google có thể mất 3 tỷ USD doanh thu hàng năm nếu điều này trở thành sự thật. Hợp đồng của gã khổng lồ tìm kiếm với Apple, trị giá 20 tỷ USD, cũng sẽ hết hạn trong năm nay.
Động thái của Samsung là vết nứt đầu tiên trong đế chế kinh doanh tìm kiếm dường như bất khả xâm phạm của Google, trị giá 162 tỷ USD vào năm ngoái.
Theo Dân Việt