Không có nhiệm vụ khoa học để cống hiến, trí thức vẫn ra đi
GS.TSKH. Nguyễn Quốc Sỹ, Đại học Năng lượng Matxcơva (MEI), Liên bang Nga chia sẻ, nhiều năm rồi, trí thức kiều bào ở ngoài nước, trong đó có cả Liên bang Nga rất mong muốn được tham gia đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây cũng là tình cảm rất tự nhiên, xuất phát từ tình yêu nước, và trách nhiệm của trí thức kiều bào với sự nghiệp chung của đất nước.
|
GS.TSKH. Nguyễn Quốc Sỹ, Đại học Năng lượng Matxcơva (MEI). |
Theo như ông được biết, Đảng, Chính phủ và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề này và đã có nhiều chính sách, giải pháp để khai thác hiệu quả nguồn lực trí thức kiều bào. Tuy nhiên, cái mà chúng ta làm được so với kỳ vọng thực sự hạn chế, do những khó khăn.
Từ thực tế cũng là một trí thức về nước làm việc, ông Sỹ cho hay, nếu mọi người nghĩ rằng chỉ cần có chính sách, đãi ngộ về lương bổng, nhà cửa, hoặc kêu gọi lòng yêu nước, cuộc gặp với các lãnh đạo… là đủ để trí thức về làm việc thì không phải.
“Mà chúng tôi cần sự đãi ngộ, tôn trọng, cầu thị của cả hệ thống chính trị và của xã hội. Chúng tôi cần không chỉ có đồng lương mà là những nhiệm vụ khoa học công nghệ mình có thể đóng góp được. Chúng tôi về nước, được trả mức lương rất cao, nhà, biệt thự rất lớn, nhưng không có nhiệm vụ để làm thì chúng tôi cũng sẽ lại ra đi. Đó là một thực tế”, ông Sỹ nói.
GS.TSKH. Nguyễn Quốc Sỹ cho biết, ông đã từng gặp rất nhiều trí thức ở các nước đã từng về Việt Nam, cũng mong muốn đóng góp công sức của mình cho sự nghiệp của đất nước. Nhưng rồi, nhiều người lại ra đi. Khi ông tìm hiểu thì thấy, tâm tư, nguyện vọng của nhiều người giống nhau.
Những khó khăn này, chúng ta cũng đã biết. “Câu hỏi đặt ra là, vì sao trong nhiều năm mà những khó khăn đó vẫn tồn tại, và chúng ta không thể nào giải quyết được trong việc triển khai những dự án chiến lược của đất nước thu hút trí thức, kiều bào”, GS.TSKH. Nguyễn Quốc Sỹ đặt câu hỏi.
Đầu tư cho khoa học công nghệ trọng tâm, trọng điểm
Đưa ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn, theo GS.VS Nguyễn Quốc Sỹ, trước hết, Đảng, chính quyền các cấp và toàn thể xã hội nên thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi, sự trân trọng cầu thị, lắng nghe, tôn vinh trí thức kiều bào. Đồng thời đánh giá khách quan, khen thưởng kịp thời, có chế độ đãi ngộ hợp lý cho trí thức kiều bào và ghi nhận những thành quả thiết thực mà họ đem lại cho xã hội và đất nước. Như vậy, họ mới sẵn sàng trở về làm việc, cống hiến, đem sức mình phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.
Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi trí thức kiều bào về nước làm việc. Hoàn cảnh lúc ấy khó khăn hơn bây giờ rất nhiều mà trí thức kiều bào vẫn sẵn sàng về nước, cống hiến, làm rất nhiều việc. Điều đó cho thấy, không phải do khó khăn nên không thể làm được, mà do cách tiếp cận, giải quyết vấn đề có lẽ đã có những điểm khác.
Một giải pháp nữa, theo GS.TSKH. Nguyễn Quốc Sỹ, là cần tập trung mọi nguồn lực của đất nước, xã hội cho phát triển khoa học công nghệ, trong đó phải lấy tiêu chí hiệu quả ứng dụng lên hàng đầu. Đất nước chúng ta còn nhiều khó khăn, vì vậy nhiều dự án, nhiều nhiệm vụ đều cần phải đầu tư.
Không thể đầu tư cho khoa học, công nghệ và phát triển đào tạo nguồn lực tri thức một cách dàn trải mà phải trọng tâm, trọng điểm. Phải chọn ra những chuyên ngành, những dự án, những hệ thống công nghệ theo thứ tự ưu tiên cho phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với chiến lược, mục tiêu, lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.
“Tôi có được tham khảo hỏi ý kiến và cũng được biết một danh mục gần một trăm chuyên ngành công nghệ cao ưu tiên làm trọng tâm, trọng điểm cho phát triển đất nước. Nhưng nếu đã là trọng tâm, trọng điểm thì nó phải ít thôi, chứ đến hàng trăm thì có lẽ là nó đã không trọng tâm, trọng điểm rồi. Đầu tư trọng điểm trong điều kiện đất nước chúng ta còn khó khăn thì mới có kết quả cụ thể được”, ông Sỹ nêu ý kiến.
Để đáp ứng mục tiêu nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới cần cải tổ lại bộ máy tổ chức, quản lý hệ thống khoa học và tập hợp, thu hút trí thức, trong đó có trí thức kiều bào, theo hướng gọn nhẹ, chuyên sâu, chuyên nghiệp, gắn với thực tiễn, với thị trường, lấy các tiêu chí về hiệu quả hoạt động đầu tư và ứng dụng lên làm đầu.
Ví dụ, không nhất thiết phải tổ chức bộ máy quản lý khoa học công nghệ và tập hợp trí thức theo ngành dọc ở các cơ quan Trung ương và tất cả các địa phương mà nên tính tới đặc thù phát triển của vùng miền, của từng ngành, lấy thế mạnh của từng địa phương mà phát triển.
Cần có thủ lĩnh trí thức kiều bào
Để sử dụng hiệu quả đội ngũ trí thức kiều bào, một giải pháp cũng rất quan trọng, theo GS.TSKH. Nguyễn Quốc Sỹ, đó là cần có những cá nhân xuất sắc, những thủ lĩnh trí thức như con chim đầu đàn tập hợp, dẫn dắt, chỉ huy trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng dự án, đồng thời là người chịu trách nhiệm trước hệ thống chính trị và nhân dân cả nước trong lĩnh vực công việc của mình.
Thủ lĩnh trí thức kiều bào phải là người có đầy đủ yếu tố cần thiết, có tâm, có tầm, có tri thức, văn hóa và tuyệt đối trung thành với quyền lợi của quốc gia và dân tộc. Chúng ta phải phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng để xuất hiện những thủ lĩnh trí thức kiều bào làm nòng cốt cho kế hoạch thu hút, tập hợp trí thức trong và ngoài nước. Công việc này tốt nhất phải được thực hiện thông qua thực tế cuộc sống, năng lực chuyên môn và hiệu quả công việc.
Chúng ta cần nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm của các nước trong thu hút, tập hợp lực lượng trí thức, đồng thời phải có chiến lược hợp tác chặt chẽ, sâu rộng và hiệu quả với các quốc gia phát triển có tiềm lực tri thức của thế giới.
Ví dụ, trong đào tạo và chuẩn bị đội ngũ kế cận cho tương lai, chúng ta không chỉ các cán bộ khoa học đi đào tạo ở các nước mà còn phải trực tiếp cùng với các hệ thống đào tạo tiên tiến trên thế giới tạo ra mô hình đào tạo mới hiệu quả hơn, sát với thực tiễn ở Việt Nam. Có như vậy, các cán bộ sau khi đào tạo có thể sớm làm việc, cống hiến, thực thi hiệu quả các nhiệm vụ của đất nước.
Mô hình đào tạo đó có thể sử dụng hệ thống tiên tiến của các nước nhưng kết hợp với nhu cầu, nhiệm vụ thực tế của Việt Nam, bổ sung các kiến thức và chuyên ngành cần thiết trong quá trình đào tạo cho cán bộ trí thức gắn với các nhiệm vụ phát triển các ngành khoa học của chúng ta.
Trong hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, cần lưu ý tới những công nghệ lõi, công nghệ nền, công nghệ có tính ứng dụng cao, tức thời và cho tương lai của các ngành khoa học công nghệ mũi nhọn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Điều này cho phép tiếp cận nhanh chóng những thành tựu khoa học công nghệ của các nước phát triển, khai thác tối đa hiệu quả ứng dụng của các công nghệ mới trên thế giới. Có thể áp dụng ngay trực tiếp cho các dự án khoa học công nghệ của đất nước, tăng khả năng cạnh tranh các ngành công nghiệp và khoa học công nghệ mũi nhọn của chúng ta.
Theo GS.TSKH. Nguyễn Quốc Sỹ, chúng ta cũng nên chú ý tới việc thu hút, tập hợp trí thức là người nước ngoài. Thế giới mở, đây thực sự là lực lượng trí thức quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngoài ra, phải xây dựng hệ thống luật định có ưu đãi đặc biệt cho các chuyên gia cao cấp người nước ngoài tới Việt Nam làm việc hoặc hợp tác với Việt Nam trong các dự án quan trọng của đất nước.
Cùng với đó, tập trung xây dựng và phát triển một số Tập đoàn khoa học công nghệ. Đây sẽ là cái nôi để thu hút, tập hợp, đào tạo và phát triển lực lượng trí thức cho tương lai của đất nước. Trong điều kiện thiếu thốn hiện nay, đây là việc tuy khó khăn nhưng vô cùng cần thiết và cấp bách.
Những trí thức tâm huyết, yêu nước trong và ngoài nước, trong và ngoài hệ thống chính trị phải được sử dụng, giao nhiệm vụ kết nối, tổ chức, chịu trách nhiệm xây dựng các phòng thí nghiệm, các trung tâm nghiên cứu ứng dụng, các viện nghiên cứu đa ngành và chuyên sâu, tập hợp đội ngũ để xây dựng bằng được các tập đoàn khoa học công nghệ cho đất nước.
GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ sinh năm 1967 tại Hà Nội, từng được vinh danh là Viện sĩ Thông tấn năm 2012. Ông là Viện sĩ chính thức Viện Hàn lâm Khoa học điện Liên bang Nga từ năm 2015 và Viện Hàn lâm Quốc tế về Nghiên cứu hệ thống từ năm 2012.
Ông là chuyên gia đầu ngành của Liên bang Nga và thế giới về Vật lý và Công nghệ Plasma. Năm 2012, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ đoạt giải nhất cuộc thi các công trình khoa học của Đại học Nghiên cứu Tổng hợp Kỹ thuật Quốc gia Irkutsk ( Liên bang Nga).
Với tình yêu quê hương đất nước, mong muốn góp sức mình vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam, năm 2016, GS Nguyễn Quốc Sỹ tham gia thành lập Viện Công nghệ VinIT. Từ đó đến nay, ông vẫn đi về giữa hai nước Việt Nam - Nga. Từ năm 2018, ông được trường MEI cử công tác dài hạn tại Việt Nam với mục tiêu hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học tại nước nhà.
Mời quý độc giả xem video: GS.TS Phạm Hùng Việt, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ về vai trò của đầu tư trọng điểm đối với nghiên cứu khoa học. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan