Tuy nhiên, tại ranh giới giữa lõi ngoài và lõi trong, vật chất tồn tại ngay tại điểm nóng chảy của nó, khiến cho trạng thái của lõi trong trở nên đặc biệt: nó không cứng hoàn toàn mà có thể có sự linh hoạt nhất định. Đây có thể là nguyên nhân khiến bề mặt lõi trong xuất hiện những thay đổi bất thường trong nghiên cứu mới.
Dù vậy, việc xác định chính xác mức độ biến dạng này vẫn là một thách thức đối với các nhà khoa học. Theo Vidale, sự thay đổi có thể dao động từ vài trăm mét đến một hoặc hai km, nhưng phạm vi ảnh hưởng thực sự của nó có thể rộng hơn, thậm chí lên tới hàng trăm km.
Nghiên cứu này cũng củng cố thêm những phát hiện trước đó về sự chuyển động của lõi trong. Trước đây, các nhà khoa học từng phát hiện rằng lõi trong không quay với tốc độ ổn định. Nó từng quay nhanh hơn phần còn lại của hành tinh, nhưng đến khoảng năm 2010, tốc độ quay của nó bắt đầu chậm lại. Hiện tại, lõi trong dường như đang quay chậm hơn so với phần còn lại của Trái Đất.
Để đo lường sự thay đổi của lõi trong, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các cặp động đất xảy ra tại cùng một vị trí ở Quần đảo Nam Sandwich, Nam Đại Tây Dương. Những trận động đất này tạo ra các sóng địa chấn truyền qua lõi trước khi được thu nhận bởi các máy đo địa chấn ở Nam và Bắc Mỹ.
Bằng cách phân tích 168 cặp động đất từ năm 1991 đến 2023, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng các sóng đi qua bên trong lõi trong có rất ít thay đổi. Tuy nhiên, các sóng chỉ lướt qua bề mặt lõi lại cho thấy sự khác biệt rõ rệt, chứng tỏ lớp ngoài cùng của lõi trong không hoàn toàn ổn định mà có thể biến đổi theo thời gian.
Câu hỏi lớn nhất hiện nay là liệu sự thay đổi này có đồng nghĩa với việc lõi trong đang chuyển động theo một cách mà con người chưa từng biết đến hay không. Từ những năm 1990, các nghiên cứu đầu tiên đã đưa ra giả thuyết rằng lõi trong có thể đang quay độc lập với phần còn lại của hành tinh. Tuy nhiên, vẫn tồn tại tranh luận về việc lõi trong thực sự quay hay chỉ đơn giản là trải qua những biến đổi bề mặt do tác động của các lực địa chất.
Bruce Buffett, một nhà địa chất tại Đại học California, Berkeley, cho rằng có thể cả hai giả thuyết đều đúng một phần. Theo ông, sự đông đặc của lõi trong chính là động lực chính tạo ra chuyển động nhiệt trong lõi ngoài – yếu tố quan trọng tạo nên từ trường của Trái Đất.
Điều này có nghĩa là nếu lõi trong có sự thay đổi, nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến từ trường của hành tinh chúng ta, mặc dù tác động cụ thể vẫn chưa được làm rõ.
Mời quý độc giả xem video: Loạt ảnh cho thấy viễn cảnh đáng sợ của Trái đất vào năm 2050.