Có lẽ, không phải CEO (Giám đốc điều hành) của một công ty công nghệ nào cũng nói với khách hàng của mình rằng hãy bỏ sản phẩm chính của công ty xuống. Nhưng đó là những gì đã xảy ra hôm 23/04 vừa qua với CEO Tim Cook của Apple, tại Hội nghị thượng đỉnh TIME 100. Hội nghị cho phép những người tham dự lắng nghe phát biểu từ những người có ảnh hưởng nhất. Trong số những người phát biểu hôm đó có Tim Cook, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, người sáng lập phong trào MeToo - Tarana Burke, nhà sản xuất truyền hình Ryan Murphy, doanh nhân Tyra Banks, v.v.
|
CEO Apple - Tim Cook. |
Trong thời gian ông Cook đứng trước micro, vị giám đốc điều hành đã nhấn mạnh rằng Apple không bao giờ tạo ra iPhone chỉ để được sử dụng liên tục. Ông cho hay: "Apple không bao giờ muốn tối đa hóa thời gian của người dùng. Chúng tôi không bao giờ nói về điều đó". Hiện tại, người dùng iPhone có thể lựa chọn ẩn thông báo từ điện thoại. Đây cũng không phải là lần đầu tiên Cook nhận xét về việc sử dụng iPhone cá nhân của chính mình.
Tháng 6 năm ngoái, trong ngày khai mạc hội nghị các nhà phát triển Apple 2018, công ty đã tiết lộ Screen Time - tính năng iOS đo thời gian người dùng sử dụng iPhone và một số ứng dụng nhất định trên thiết bị. Ngày hôm đó, trao đổi với trang CNN, ông Cook cho biết trước khi chạy Screen Time, ông tự coi mình là người dùng iPhone có kỷ luật. Sau khi theo dõi việc sử dụng của mình với Screen Time, chính ông đã nhận ra rằng mình sử dụng sai cách.
Mỹ hiện đang quan tâm nhiều hơn đến quyền riêng tư
Bên cạnh đó, ông Cook cũng thảo luận về một chủ đề nóng khác - quyền riêng tư trực tuyến. Ông nói rằng các quy định để bảo vệ những người duyệt web và truy cập các ứng dụng sẽ xuất hiện ở châu Âu nhiều hơn ở Mỹ. Giám đốc điều hành gọi Quy định bảo vệ dữ liệu chung của châu Âu (GDPR) là "một bước đi đúng hướng."
Theo các quy tắc được Liên minh châu Âu - EU thông qua vào năm ngoái, mọi dữ liệu cá nhân được tạo bởi người dùng trực tuyến không được sử dụng bởi bất kỳ công ty nào mà không có sự đồng ý của người dùng. Công ty nào không tuân thủ các quy định này có thể bị phạt tới 20 triệu euro hoặc 4% doanh thu toàn cầu của năm trước, tùy theo mức độ. Ví dụ như Facebook, nếu công ty phải nhận hình phạt tối đa theo GDPR năm nay, hãng sẽ bị phạt 2,2 tỷ USD dựa trên doanh thu hơn 58 tỷ USD mà công ty đã thu được trong năm 2018. Ông Cook cho biết, các quy định tương tự như GDPR sẽ sớm có mặt ở Mỹ.
|
iPhone Xr 2018. |
Giám đốc điều hành của Apple cũng nói thêm rằng ông tin rằng chính quyền Mỹ đã quan tâm đến quyền riêng tư hơn so với hồi năm 2016. Hồi đầu năm 2016, FBI yêu cầu Apple mở khóa một chiếc iPhone 5c thuộc về tay bắn súng San Bernardino Syed Farook đã chết. Tuy nhiên, "Nhà Táo" đã không tuân theo phán quyết của tòa án vì nếu tạo ra một phiên bản iOS đặc biệt để mở khóa điện thoại của Farook, phần mềm có thể bị rò rỉ.
Và nếu phần mềm đó (được đặt tên là Govt. OS) bị rò rỉ, bất kỳ iPhone nào cũng có thể được mở khóa. Ông Cook gọi hành động của tòa án khi yêu cầu Apple mở khóa điện thoại của Farook "không phải là biện pháp tốt nhất". FBI cuối cùng đã sử dụng một thiết bị của bên thứ ba để mở khóa iPhone 5c và không tìm thấy thứ gì liên quan đến vụ nổ súng.
Theo An Nhiên/ Dân Việt