Khu vực xuất hiện
Chắc chắn là Titanoboa sinh sống ở khu vực Colombia ngày nay, cụ thể là khu vực kiến tạo Cerrejón ở phía Bắc. Ở đó, vùng đầm lầy đã trở thành ngôi nhà của những động vật có kích thước không tưởng. Ngoài Titanoboa, nơi đây còn có những con rùa to bằng bàn bếp và những con cá sấu thậm chí còn lớn hơn ngày nay.
Ngoại hình
|
So sánh kích thước của Titanoboa với người. |
Titanoboa xuất hiện từ thời đại Paleocene (60 - 58 triệu năm trước) nhưng rất giống với con trăn ngày nay. Là một loài trăn xiết mồi điển hình nên nó có hộp sọ linh động cho phép nó nuốt những con vật khổng lồ (ví dụ như cá sấu). Như chúng ta đã biết, loài rắn có thể nuốt con mồi dài bằng một phần tư cơ thể nó. Do đó, Titanoboa có thể nuốt mồi dài gần 4 mét.
Xương sọ Titanoboa không dính liền với nhau, mà được kết nối bằng các đường gân linh hoạt. Có lẽ loài này có màu sẫm để có thể ẩn nấp trong những khu rừng xích đạo tối tăm, đầm lầy và dưới lòng sông, săn lùng bất kỳ động vật nào chẳng may bị nó phát hiện.
Họ hàng ngày nay
Ngày nay, những con trăn lớn nhất cũng không lớn như Titanoboa. Vì loài bò sát thời Paleocene này là một thành viên của phân họ Boinae nên so sánh chúng với loài trăn Nam Mỹ Anaconda là thích hợp nhất. Anaconda (Eunectes) là một loài rắn đẻ con, sống trong các khu rừng mưa nhiệt đới ở Nam Mỹ. Chúng là loài rắn lớn nhất còn sống hiện nay với trọng lượng có thể lên tới 250 kg do sống dưới nước. Anaconda có thể đạt tốc độ lên đến 20 km / h trong nước. Titanoboa với trọng lượng cơ thể hơn 1 tấn cũng sinh sống trong môi trường nước và bơi lội rất giỏi.
Loài trăn dài nhất hiện nay, loài trăn gấm (Python reticulatus / Broghammerus reticulatus) sống ở Đông Nam Á, Philippines và Indonesia có thể đạt chiều dài tối đa khoảng 10 mét còn kích thước trung bình là khoảng 6 mét. Titanoboa đạt chiều dài tối đa đến 15 mét, trung bình là 12 - 15 m và trọng lượng hơn 1 tấn.
Suy đoán kích thước
Các giả thuyết cho rằng sự chênh lệch kích thước giữa các loài rắn ngày nay và Titanoboa là do môi trường tự nhiên. 60 triệu năm trước, khu vực Colombia có nhiệt độ không khí cao hơn ngày nay, trung bình là 30-34 độ C.
Nhiệt độ cao có lẽ đã kích thích các sinh vật trên cạn phát triển đến kích thước cực lớn. Người ta cũng tin rằng kích thước khổng lồ của động vật thời Paleocene là do nồng độ O2 trong khí quyển cao hơn, dù hàm lượng CO2 cũng cao hơn so với hiện tại. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu những lý do khác khiến Titanoboa có kích thước khổng lồ như vậy.
Theo Bảo Tuấn/Tiền Phong