Bề ngoài, phong lan ma hệt như một cụm rễ bám dính vào cây chủ. Chúng thuộc nhánh phong lan không có lá, thân chỉ cao từ 1-4cm.
Trong 3000 cây phong lan ma, ước tính có khoảng 2000 cụm tập trung tại Florida và Cuba. Mỗi năm cũng chỉ có chừng 10% chịu trổ hoa.
|
Phong lan ma. |
Hoa phong lan ma màu trắng kiêu sa, dáng hình thanh mảnh tuyệt đẹp và mùi hương thơm ngào ngạt. Ngoài cái tên đầy ma mị, chúng còn được gọi là dạ lan hương.
Phong lan ma, đặc biệt là cây con đòi hỏi điều kiện sống cực kỳ ẩm ướt, có nấm cộng sinh thích hợp để giúp rễ gia tăng khả năng quang hợp. Chúng vừa kén chọn lại vừa ẩn nấp cực kỹ nên thành ra đã hiếm lại càng khó phát hiện.
Trên thế giới có vài người tuyên bố đã thành công trồng phong lan ma. Tuy nhiên là thật hay giả thì chưa rõ, còn khoa học thì vẫn chưa tìm ra bất cứ biện pháp trồng và chăm sóc nào. Bởi vậy, loài hoa này vẫn trong danh sách những loài thực vật quý hiếm nhất hành tinh.
Sở hữu đài hoa siêu mảnh và dài, thách thức thuyết tiến hóa của Darwin
Cha đẻ của thuyết tiến hóa Charles Darwin (1809-1882) tuyên bố rằng, mọi loài đều tiến hóa từ một tổ tiên chung. Qua chọn lọc tự nhiên, chúng không chỉ tự phát triển mà còn hình thành các mối quan hệ hợp tác. Theo đó, tất cả thực vật có hoa đều có đối tác động vật cùng tiến hóa để thích nghi lấy mật hoa, tiện thể giúp cây thụ phấn.
Vào năm 1862, Darwin vô tình tìm được một cây hoa phong lan ma Madagascar (Loài này sau đó được đặt theo tên của ông, thành phong lan Darwin, pháp danh Angraecum sesquipedale). Tuy nhiên thay vì hạnh phúc, ông "á khẩu" bởi cái đài hoa trữ mật hình ống siêu mảnh, dài tới cả 30cm của nó.
|
Ngay cả ở kích thước ngắn nhất, đài hoa phong lan ma cũng tới 13cm. |
Cứ theo những gì Darwin lập luận thì bông hoa này cũng phải được một côn trùng ăn mật có cái lưỡi dài đến cả 30cm giúp thụ phấn. Song ông lại chẳng biết loài ong hay bướm nào sở hữu cái vòi dài tương đương.
Ngay cả ở kích thước ngắn nhất, đài hoa phong lan ma cũng tới 13cm. Vì vậy để lấy được chút mật ở tận đáy, loài côn trùng thích hợp cũng buộc phải có cái lưỡi dài từ 13cm trở lên.
Cho đến tận khi nhắm mắt xuôi tay, Darwin vẫn chưa chứng thực nổi giả thuyết của mình trong trường hợp hóc búa này.
Phải mất 130 năm mới được chứng thực
Không ít các nhà khoa học đã bỏ công sức và thời gian để chứng minh cho giả thuyết của Darwin. Người ta chưa tận mắt thấy cảnh tượng côn trùng nào hút mật hoa phong lan ma, nhưng đã phát hiện một loài bướm có cái vòi siêu dài là bướm nhân sư Morgan (Xanthopan morganii).
|
Vòi của bướm nhân sư Morgan dài từ 20-35cm thích hợp nhất để thụ phấn cho phong lan ma. |
Vòi của bướm nhân sư Morgan dài từ 20-35cm. Mọi người lúc đó phải tạm đồng tình nó là sinh vật thích hợp nhất (và duy nhất) thụ phấn cho phong lan ma. Mãi tới những năm gần đây, nhờ có camera ghi hình, giới quan sát mới lấy được bằng chứng sinh sản của loài hoa siêu hiếm nở về đêm này.
Vào năm 2012 tại Khu Bảo tồn Động vật Hoang dã quốc gia Florida Panther, nơi sở hữu ¼ phong lan ma của Florida, nhiếp ảnh gia Carlton Ward Jr quyết tâm giải tỏa nỗi niềm cho hương hồn Darwin. Sau khi lùng sục được một bông phong lan ma treo lơ lửng trên thân cây, ông kiên nhẫn ngồi rình suốt 3 ngày, cuối cùng thành công chụp được bằng chứng thực tế đầu tiên.
Cũng từ lúc này, Ward trở thành chuyên gia săn tìm và chụp hình các loại bướm đêm hợp tác với hoa phong lan ma.
Năm 2018, Ward nhận được sự trợ giúp từ nhà sinh vật Mac Stone. Tại các vị trí phát hiện hoa phong lan ma, Stone lắp đặt camera quan sát, tích lũy khoảng 7.000h ghi hình.
|
Một số loài bướm đêm có thể là tác nhân thụ phấn của phong lan ma. |
Không uổng công Stone, các máy quay ghi nhận ít nhất là 5 chứ không phải chỉ 1 loài bướm đêm thò vòi vào bên trong đài hoa phong lan ma hút mật. Trong số 5 loài ấy, có 2 loài là bướm nhân sư Pachylia ficus và bướm nhân sư Dolba hyloeus khi rời đi có dính phấn hoa trên đầu.
Ngoài ra còn cả chục loài bướm đêm khác lượn lờ xung quanh. Rất có thể số côn trùng giúp phong lan ma sinh sản còn nhiều hơn con số 5 nữa.
|
Bướm nhân sư khổng lồ Cocytius antaeus, kẻ "trộm mật" phong lan ma. |
Thú vị là trong các "ông mai bà mối" cũng có một "kẻ cắp", bướm nhân sư khổng lồ Cocytius antaeus. Nhờ sở hữu cái vòi còn dài hơn cả đài hoa phong lan ma, nó thoải mái "uống mật chùa" rồi bỏ đi, khỏi "trả lễ" kẻ đã tặng bữa ngon cho mình.