Nhiều người cho rằng, loài côn trùng này là bằng chứng rõ rệt nhất cho tính đa dạng, khả năng ngụy trang trong tự nhiên của côn trùng. Nó vốn là loài phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á, Australia và cũng có mặt ở Việt Nam. Côn trùng được nhắc đến ở đây chính là bọ lá (chi Phyllium). Bọ lá có hình thù rất đặc biệt, kích thước lớn nên sẽ gây ấn tượng với bất cứ ai gặp lần đầu.
Tuy nhiên, việc phát hiện được bọ lá trong tự nhiên thật sự thách thức độ “tinh mắt” của bạn. Với vẻ ngoài giống hệt lá cây, có thể đổi màu từ xanh sang vàng, nâu tùy môi trường sống, đa số đều nhầm bọ lá là một chiếc lá thật sự.
Bọ lá là loài côn trùng có kích thước lớn, dài khoảng 5 - 10cm, giống lá cây. Các đôi chân của bọ lá thoạt nhìn giống phần lá cây bị rách. Tận dụng hình dáng của mình, bọ lá thường giả bất động khi gặp nguy hiểm, khiến kẻ thù nhầm tưởng mình là một chiếc lá. Chúng thường sống trên các cành cây ở khu rừng ẩm, rậm rạp hay các cây cỏ thấp gần mặt đất. Loài này chuyên ăn lá cây và rất hiền lành.
Việt Nam có một loại bọ lá đã được định danh là loài Phyllium succiforlium. Hầu khắp mọi miền Tổ quốc đều có bọ lá, nhưng chủ yếu là các khu bảo tồn, vườn quốc gia. Chỉ có điều đến nay các chuyên gia vẫn chưa thể biết chúng ăn lá cây gì trong những khu rừng Việt Nam.
Nhiều người Việt Nam có sở thích sưu tầm côn trùng nên số lượng bọ lá hiện tại khá ít, khả năng gặp trong tự nhiên là rất thấp. Năm 1992, 2000, bọ lá được đưa vào Sách đỏ Việt Nam, nằm trong danh mục các loài động vật Sắp nguy cấp.
Theo Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo