Theo Science Daily, nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Portsmouth và bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Anh đã tiết lộ những chi tiết thú vị về gà nước họng trắng Madagasca.
|
Loài chim hồi sinh từ cõi chết sau một thời gian dài tuyệt chủng. |
Loài chim không biết bay, có hình dáng mập mạp này được coi là đã hồi sinh từ cõi chết trên đảo san hô Aldabra, Ấn Độ.
Đó là kết quả của quá trình tiến hóa lặp lại một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, nhưng ở hai thời điểm khác nhau.
Tổ tiên gà nước họng trắng Madagasca bắt nguồn từ quê hương Madagasca. Chúng di cư số lượng lớn qua Ấn Độ Dương. Một số định cư trên đảo Aldabra, Ấn Độ.
Đảo san hô này không có các động vật ăn thịt nên dần dần, loài chim này mất dần khả năng bay. Kết quả là chúng có hình dạng mập mạp và không biết bay.
Cách đây 136.000 năm, toàn bộ gà nước họng trắng Madagasca ở trên đảo biến mất vì sự nóng lên toàn cầu, khiến cả hòn đảo chìm trong ngập lụt, quét sạch gần như toàn bộ sinh vật sống.
Hàng chục ngàn năm sau, nước rút đi để lại đảo san hô Aldabra như ngày nay. Nhiều sinh vật ngoại lai tìm đến đảo định cư và có cả một loài chim họ hàng với loài gà nước từng tuyệt chủng.
Sau một thời gian dài, loài chim này cũng tiến hóa y hệt như tổ tiên, dần mất khả năng bay và trở nên béo mũm mĩm. Các nhà khoa học gọi đó là quá trình tiến hóa lặp lại.
Gà nước họng trắng Madagasca mà chúng ta thấy ngày nay không phải loài gà nước tồn tại cách đây 136.000 năm, mà chỉ là một loài chim có họ hàng, trải qua quá trình tiến hóa y hệt. Theo ghi nhận của các nhà khoa học, gà nước họng trắng Madagasca đã tái xuất trên đảo cách đây 10.000 năm.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí the Zoological Journal.
Theo Đăng Nguyễn/Dân Việt