Dendrocnide xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ, "déndron" nghĩa là "cây", và knídē mang nghĩa "kim châm". Đúng như vậy, Dendrocnide moroides, với lá hình trái tim đầy lông mềm, được cho là loại cây độc nhất Australia và có biệt danh "cây tự sát". Vẻ ngoài mềm mại của lá cây là do được phủ hàng nghìn lông châm nhỏ, chứa chất độc khủng khiếp đến mức nạn nhân đau đớn vật vã suốt nhiều tuần, thậm chí có thể nhiều năm sau mới hết hẳn.
Như bị trúng axit và điện giật
Mọc gần các khu rừng mưa ở phía đông Australia, từ bán đảo Cape York đến phía bắc New South Wales, đây là một trong 6 loài cây châm chích của xứ sở chuột túi. Gympie-Gympie là loài khủng khiếp nhất, với toàn bộ cây được phủ một lớp lông như kim. Tương tự kim tiêm dưới da, chúng nhọn và rỗng. Kim sẽ đứt ở phần nhọn để bơm chất độc vào mô của nạn nhân.
Các đầu lông này cực nhỏ, nên rất khó để lấy ra khỏi da. Nếu không thể lấy sạch, chúng sẽ tiếp tục tỏa ra chất độc khiến cơ thể đau đớn khủng khiếp mỗi khi khu vực đó bị chạm phải, tiếp xúc với nước hay sự thay đổi nhiệt độ.
Công thức của chất độc này cũng rất phức tạp và vẫn chưa được hiểu rõ, trong đó có việc chất nào gây cảm giác đau nhói. Chất độc của cây cũng bền và chống được nhiệt, có khả năng duy trì đặc tính trong hàng chục năm. Các nhà nghiên cứu cho biết ngay cả lá khô được thu thập từ hơn 100 năm trước cũng vẫn thể có những lông chứa đầy độc.
|
Bề mặt lá phủ lớp lông mịn chứa độc. Ảnh: Australian Geographic.
|
Có không ít những câu chuyện đen tối và đáng sợ xung quanh Gympie-Gympie. Nhà thăm dò đường A.C. Macmillan, một trong những người đầu tiên ghi chép về tác động của loại cây này, báo cáo với cấp trên vào năm 1866 rằng ngựa của ông ấy "chạm phải cây, lên cơn và chết trong vòng 2 tiếng". Thời Thế chiến 2, Cyril Bromley, một cựu quân nhân, vô tình ngã vào bụi cây trong đợt huấn luyện và kết cục phải bị trói vào giường bệnh, "phát điên".
Nhà thực vật học Ernie Rider bị cành cây đập vào mặt, tay và ngực vào năm 1963, và đến tận năm 1965 ông mới hoàn toàn thoát khỏi sự đau đớn. Ông ghi trong nhật ký: "Trong 2-3 ngày đầu, cơn đau lên đến mức gần như không thể chịu nổi, tôi không làm việc hay ngủ được. Cơn đau dữ dội kéo dài trong khoảng 2 tuần và vẫn xuất hiện trong 2 năm sau đó, mỗi khi tôi tắm nước lạnh".
|
Cận cảnh bề mặt lá và các lông chứa độc dưới kính hiển vi. Ảnh: Milled.
|
Les Moore, nhà khoa học thuộc Phòng Động vật hoang dã và Hệ sinh thái CSIRO ở Queensland, bị cành cây chạm vào mặt trong lúc nghiên cứu về đà điểu đầu mèo. Mặt ông lập tức sưng phù. Ông kể lại: "Trong vài phút, cảm giác đau đớn và bỏng rát ban đầu tăng mạnh, mắt tôi có cảm giác như vừa bị ai đó đổ axit lên. Miệng và lưỡi của tôi sưng to đến mức tôi bị khó thở. Tôi yếu đến mức phải bò ra khỏi bụi cây. Tôi bị sốc phản vệ và mất nhiều ngày sau mắt mới hồi phục".
Nhà sinh vật học Marina Hurley mô tả về cảm giác chạm phải chúng là "như bị bỏng axit và điện giật cùng lúc".
Vẫn là thức ăn của loài khác
Không chỉ nguy hiểm khi chạm vào, loại cây này còn rụng lông như mèo. Những đầu lông chứa chất độc lơ lửng xung quanh cây. Những nạn nhân không hay biết có thể gặp các vấn đề về hô hấp nếu vô tình hít phải.
W.V. MacFarlane, Giáo sư giảng dạy ở Trường Nghiên cứu y khoa John Curtin tại Đại học Quốc gia Australia, đã tìm hiểu hậu quả của việc hít lông của cây Gympie. Ông nhận định: "Chúng gây hắt xì trong khoảng 10-15 phút khi bứt lá khỏi cây. Trong quá trình tách lông khỏi lá cây khô, tôi hít phải ít bụi và ít lông. Ban đầu, tôi hắt xì, nhưng trong khoảng 3 tiếng sau đó, cơn đau lan truyền ở vùng hầu họng, và trong 26 tiếng, cảm giác đau như viêm amiđan xuất hiện".
Hurley dành 3 năm trong những khu rừng mưa ở Australia để nghiên cứu về Gympie-Gympie, và tiếp xúc với những lông bay này trong thời gian dài dù đã mặc đồ bảo hộ và đeo găng tay. Cô bị hắt xì, chảy nước mắt và nước mũi, và lâu dần hình thành dị ứng phải đi điều trị.
Cô nhớ lại: "Phản ứng dị ứng hình thành theo thời gian, gây ngứa cực độ và những đám mẩn lớn cần điều trị bằng steroid. Đến mức, bác sĩ khuyên tôi đừng bao giờ tiếp xúc với cây này nữa, và tôi không phản đối".
|
Hurley trong quá trình nghiên cứu về Gympie-Gympie. Ảnh: Theconversation.
|
Trước khi tạm biệt, cô đã nắm được cơ chế đặc biệt của Gympie-Gympie, và vì sao một số động vật có thể ăn chúng.
Dù bạn có tin hay không, cây này có quả. Tất nhiên, quả của chúng cũng phủ đầy lông. Nhưng quả ra đời là để thu hút động vật ăn chúng, trong khi mọi thứ của cây như thể hét lên "tránh xa ra".
Trừ khi bạn là pademelon chân đỏ.
|
Quả và lá của cây Gympie có thể là thức ăn của các loài khác. Ảnh: Theconversation.
|
Trong quá trình nghiên cứu, đôi khi Hurley thấy một cây Gympie đã bị thứ gì đó ăn. Đôi khi, chúng bị gặm nhấm bởi những côn trùng cỡ đủ nhỏ để tránh được lông châm. Nhưng trong một số trường hợp, lá cây rõ ràng đã bị con vật nào đó to lớn hơn cắn.
Hóa ra, đó là pademelon - một loại thú có túi. Chúng đã hình thành miễn dịch với đám lông độc, và thoải mái ăn những chiếc lá giàu dinh dưỡng.
Càng tìm hiểu thêm, cô càng nhận ra gympie không hẳn đáng sợ như tưởng tượng. Trên thực tế, các loài bản địa Australia như chim chóc, côn trùng và động vật có vú gần như không gặp vấn đề gì với chúng, trong khi các loài mới xuất hiện như con người, ngựa và chó phản ứng mạnh với chất độc của cây.
Do đó, nếu muốn khám phá rừng mưa ở phía đông Australia, bạn nên cẩn thận với những loại lá phủ lông mượt mà này.
Theo An Ngọc/ Zing