Nói đến sông Lô, người dân Việt Nam sẽ nghĩ ngay đến những huyền thoại, dấu ấn lịch sử của dân tộc. Đặc biệt, nơi đây còn có nhiều loài cá quý như cá chiên, cá quất, cá lăng, cá ngạnh… Nhưng để nói đến loài cá được xem là biểu tượng, linh vật của sông Lô thì phải nói đến cá anh vũ.
Tương truyền, cá anh vũ đã xuất hiện ở Việt Nam từ 2.000 năm Trước Công Nguyên. Thời vua Hùng Vương thứ 3, có một ngư dân bắt được loài cá này liền mang đến tiến vua. Sau khi nếm thử, vua rất thích vì thịt cá ngon, chắc. Từ đó người dân thường bắt cá này để dâng lên vua.
Trong Đại Nam Nhất Thống Chí từng nhắc đến cá anh vũ như sau: “Cá Anh Vũ còn có tên Giả Ngư, sinh sống ở ngã ba sông Bạch Hạc. Hàng năm, cứ đến mùa rét mới có. Vị cá rất ngon mà bổ. Từ sông Bạch Hạc trở xuôi thì không có nữa”. Trong khi đó, Nguyễn Trãi viết trong Dư Địa Chí: “Cá Anh Vũ được dùng làm vật cúng tế thần linh”.
Ngư dân sống ở khu vực sông Lô thì nhận xét, cá anh vũ là giống cá khôn, sạch sẽ. Chúng thường sống trong hang hốc đá nước lạnh, sạch tại ngã ba sông. Loài cá này thích ăn rêu đá, một năm chỉ chui ra khỏi hang để kiếm ăn từ tháng 11 âm lịch năm nay đến tháng 3 âm lịch năm sau.
Đặc biệt, cứ đến khi nước lên, cá anh vũ lại “biệt tăm biệt tích” mà không ai hiểu lý do vì sao. Không chỉ có thịt ngon, cá anh vũ còn có vẻ ngoài rất đẹp, vây nhiều màu sắc óng ánh, vây lưng, hai bên như cánh buồm trong tranh Đông Hồ. Điểm xuyết thêm vào đó là đường chỉ chạy hai bên thân, đủ 3 màu xanh, trắng, hồng. Chính nhờ những điểm đặc biệt đó mà cá anh vũ được mệnh danh là loài cá đẹp nhất ngã ba sông Lô.
Cá anh vũ có thịt trắng như thịt gà, thơm, chỉ cần ăn một lần là nhớ mãi. Một ngư dân từng tiết lộ với Dân Việt rằng năm 1986 có người đã đến nhà mình đặt mua loài cá này với giá 17 triệu/kg. Nhưng càng ngày cá anh vũ càng hiếm có khó tìm. Năm 1990 là lần cuối cùng người ngư dân này bắt được một con cá anh vũ chừng 2 lạng.
Vì quá hiếm và đặc biệt nên người có tiền chưa chắc đã có thể ăn thử cá anh vũ. Thậm chí người dân sông Lô còn tiếc nuối cho biết đã lâu không ai nhìn thấy chúng: “Có lẽ đã tuyệt chủng rồi cũng nên”. Có người lại ao ước được nhìn thấy loài linh vật này thêm một lần nữa trên đời.
Theo Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo