Trong số những sinh vật bơi lội nhỏ bé mà chúng vớt được là những mảng xanh bao gồm tảo và các sinh vật quang hợp khác. Nhưng các nhà nghiên cứu tự hỏi liệu những loài thực vật này chỉ là món ăn tráng miệng sau khi chúng ăn thịt hay là món chính?
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra các mẫu phân, da và xác định được thứ mà những con cá mập này đang thực sự ăn.
Nhà hải dương học sinh học Patti Virtue của Đại học Tasmania cho biết: "Phân tích từ phân cho thấy chúng đang ăn nhuyễn thể. Nhưng chúng không chuyển hóa được nhiều".
Thay vào đó cá mập voi, vốn là loài cá mập thực sự có sụn thay vì xương dường như đang lấy chất dinh dưỡng từ tảo.
Nhà sinh vật học về cá của Viện Khoa học Biển Australia Mark Meekan cho biết: "Điều này khiến chúng tôi phải suy nghĩ lại mọi thứ mà chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã biết về thứ mà cá mập voi ăn".
Phân tích mô của Meekan và các đồng nghiệp cũng cho thấy một cấu trúc axit béo phù hợp với ăn tạp hơn là ăn thịt. Họ tìm thấy lớp da giàu axit arachidonic (ARA), chất này có số lượng đủ lớn ở cá mập voi và có nhiều trong tảo biển Sargassum (tảo mơ).
Vào năm 2019, một nghiên cứu khác sử dụng các mẫu mô cũng đã tìm thấy bằng chứng cho thấy cá mập voi thực sự đang ăn ít nhất một số sinh vật thấp trong chuỗi thức ăn, chẳng hạn như thực vật và tảo. Hơn nữa, chúng không phải là loài cá mập duy nhất ăn tạp vì cá mập đầu đuôi (Sphyrna tiburo) cũng ăn cỏ biển.
Chúng thường nuốt thêm thực vật khi đi săn những con mồi nhỏ như cua, động vật thân mềm và cá trong môi trường sống có cỏ biển rậm rạp. Vì vậy nhu cầu ăn các loại thực vật cũng là điều dễ hiểu khi hệ tiêu hóa của chúng đã dần quen với loại thức ăn này.
Các nhà nghiên cứu nghi ngờ điều tương tự cũng có thể xảy ra với cá mập voi. Trong quá khứ tiến hóa của chúng, ban đầu chúng có thể ăn tảo để tiêu hóa các loài động vật sống trên đó (sinh vật biểu sinh) nhưng bây giờ chúng cũng có thể tiêu hóa được cả tảo.
Meekan giải thích: "Viễn cảnh mà chúng tôi có được về những con cá mập voi đến Ningaloo chỉ để ăn những con nhuyễn thể nhỏ bé này chỉ là một nửa câu chuyện. Chúng thực sự cũng đang ăn một lượng tảo nhất định".
Nhưng để tìm đủ chất hữu cơ trôi nổi này, cá mập voi phải tuân theo quy luật vận hành của đại dương như dòng chảy bề mặt để tập hợp các nguồn thức ăn nổi này lại với nhau. Tuy nhiên vì tụ lại một chỗ nên địa điểm này cũng tụ các chất ô nhiễm trong đại dương như nhựa vì vậy cá mập voi rất dễ ăn phải rác thải nhựa.
Meekan đã quan sát thấy một số loại nhựa xuất hiện trong phân của cá mập voi. Nhựa làm giảm dung tích ruột của chúng, làm chậm quá trình tiêu hóa hoặc khiến chúng trào ngược thức ăn. Điều này sẽ gây hại cho những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng này. Quần thể cá mập voi đã bị suy giảm 62% trong 75 năm qua.
Meekan nói: "Trên cạn, tất cả các loài động vật lớn nhất luôn là động vật ăn cỏ. Ở biển, chúng tôi nghĩ rằng những động vật thực sự to lớn như cá voi và cá mập voi đang có một chuỗi thức ăn mới bên cạnh những động vật giống tôm và cá nhỏ. Hóa ra hệ thống tiến hóa trên cạn và dưới nước không khác nhau là mấy".
Nghiên cứu này đã được xuất bản trên tạp chí Ecology.
Theo Thiên Long/Trí Thức Trẻ